Từ nội dung bài giảng đến thời khóa biểu của lớp 1E, Trường tiểu học Trâu Quỳ (Hà Nội) đều được cấu trúc lại, thay vì 7 tiết, học sinh chỉ học 3 tiết trực tuyến mỗi ngày. Cô Nguyễn Phương Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 1E chia sẻ, cô phải dành gấp rưỡi thời gian so với trước để soạn bài giảng trực tuyến. 30- 40% nội dung bài học được cô chuyển hóa thông qua các trò chơi. 10 - 20% nội dung bài được đưa vào video để học sinh xem và tự học ở nhà.
Đối với bậc THCS và THPT cũng vậy, không thể đưa nguyên giáo án dạy trực tiếp vào dạy trực tuyến, giáo viên cần có sự sáng tạo.
"Giáo viên sẽ phải thiết kế các hoạt động làm sao cho lớp học online vẫn đạt được những cảm xúc, giao tiếp, tương tác chứ không phải lên đó, giáo viên chỉ trình chiếu, giáo viên nói và học sinh ghi nhận một cách khô khan", cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Trong Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 vừa được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các nhà trường tinh giản một số nội dung ở từng môn học để phù hợp với tình hình dạy học khó khăn hiện nay.
Mặc dù kiến thức đã được tinh giản nhưng quan trọng hơn cả vẫn là cách thiết kế nội dung bài học, phương pháp truyền đạt của giáo viên sao cho linh hoạt, hấp dẫn, tránh khô cứng, đơn điệu. Đây là thách thức rất lớn mà cả cô và trò đều cùng phải vượt qua để đảm bảo chất lượng dạy học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!