Liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa tăng cao, bên hành lang Quốc hội, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết lời giải thích của Bộ trưởng là đúng: Vật liệu tốt, chất liệu tốt, đầu tư công phu thì giá thành cao lên.
Tuy nhiên theo ông Lượng, vấn đề ở đây đặt ra là tuổi thọ của sản phẩm thế nào để lựa chọn vật liệu cho phù hợp. Nếu sử dụng nhiều năm đương nhiên chất liệu phải tốt, nếu sử dụng trong thời gian ngắn thì cần cân nhắc. Thứ 2 là đối tượng sử dụng cũng phải tính đến vật liệu sao cho phù hợp để đảm bảo giá thành.
“Vấn đề quan tâm ở đây là sản phẩm đấy có phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay, phù hợp với tuổi thọ của sản phẩm? Nếu sách nặng quá thì các em mang đi “mệt lắm”. Sách cũng không được mờ quá, xấu quá. Quan trọng nhất là nội dung của sách và giá trị sử dụng… Nói chung tất cả phải tính toán phù hợp. Hiện con em nghèo vẫn còn nhiều, thực hành tiết kiệm vẫn phải đặt lên hàng đầu”, ông Lượng nhấn mạnh.
Ông Lượng cho rằng điều cốt lõi là quản lý về giá sao cho chặt chẽ. Nhà nước cần phải quản lý về giá, định giá, thậm chí hỗ trợ giá và đảm bảo công khai minh bạch.
“Đây là mặt hàng thiết yếu cần phải quản lý, đảm bảo giá cả hợp lý không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà nâng giá sách giáo khoa lên được”, ông Lượng cho biết và cũng đồng thời nhấn mạnh phải giải quyết ngay vấn đề quản lý nhà nước về giá sách giáo khoa.
“Cách đây 3 năm, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã giám sát và có ý kiến về việc này. Cần đẩy sớm tiến độ và trả lời dư luận, để lâu đúng sai đều tạo ra sự hoài nghi cho dư luận”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!