Đó là Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023 - 2030"; Đề án "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030".
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương; một số đơn vị của Quốc hội; Chính phủ; Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các Sở GDĐT; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023 - 2030" đặt ra các mục tiêu chung là nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi ở mọi vùng, miền đều được đến lớp để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục mầm non.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1.
Đối với đội ngũ giáo viên, phấn đấu đến năm 2025, có đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định. Tỷ lệ giáo viên có trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên đạt 90% vào năm 2025, đạt 100 % vào năm 2030. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên: 85% vào năm 2025, 90% vào năm 2030. Về phòng học, bảo đảm tỷ lệ 1 phòng/1 lớp mẫu giáo vào năm 2025. Tỷ lệ phòng học kiên cố: đạt 90% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, trang bị đủ bộ đồ chơi ngoài trời và bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định cho các lớp mẫu giáo vào năm 2025. Về trường đạt chuẩn quốc gia: Có 50% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo mức độ I trở lên vào năm 2025, có 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo mức độ I trở lên vào năm 2030.
Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023 - 2030" đã đưa ra các giải pháp để thực hiện là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.
Quan tâm đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc triển khai chương trình phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho chương trình phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo.
Đề án "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030" với mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo. Tăng cường cơ hội của trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo
Mục tiêu của Đề án hướng đến đối tượng là trẻ em, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên và các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; các đối tượng vùng biên giới, hải đảo, miền núi, dân tộc thiểu số theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn ra lớp; trong đó, 30% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; khoảng 50% và đến năm 2030, trên 80% các tỉnh có trẻ em người dân tộc thiểu số xây dựng triển khai nhân rộng mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ;
Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn ra lớp; trong đó, 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền và đặc điểm riêng của trẻ.
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo hai đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2023-2030, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GDĐT Nguyễn Bá Minh cho rằng, việc xây dựng hai đề án là rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng phổ cập và duy trì chất lượng giáo dục mầm non. Thực hiện hai đề án sẽ từng bước củng cố mạng lưới trường, lớp mầm non; tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở mọi vùng, miền được tiếp cận giáo dục.
Ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình với tầm quan trọng của việc thực hiện hai đề án. Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GDĐT trong quá trình xây dựng hai đề án, UNICEF sẽ đồng hành cùng quá trình thực hai đề án này. Về mặt tổng thể hai đề án đã nêu được đầy đủ, toàn diện những khía cạnh, những góc độ mong muốn đạt được cho các mục tiêu của hai đề án. Đề án tạo ra cơ hội để trẻ em vùng khó tiếp cận với giáo dục chất lượng.
Các đại biểu là đại diện các địa phương cho rằng, đây là hai đề án quan trọng, khi được thực hiện sẽ là đòn bẩy để giúp giáo dục mầm non phát triển, bắt kịp các bậc học khác. Cùng với đó, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến để đề án có chính sách thu hút đào tạo giáo viên mầm non; hỗ trợ giáo viên giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số mà không phải là vùng khó khăn; bổ sung các chính sách cho nhà trẻ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Giáo dục đã khẳng định, Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ và thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Theo Thứ trưởng, để thực hiện được hai đề án cần phải huy động các nguồn lực xã hội một cách hợp lý và cần có tính kết nối các nguồn lực một cách tốt nhất. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội, các bộ, ngành và các địa phương cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình một cách tổng thể.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu Tổ thư ký soạn thảo đề án tiếp thu đầy đủ, có chọn lọc các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục rà soát, hoàn thiện và chỉnh sửa dự thảo 2 đề án trên nguyên tắc phải đảm bảo tính logic giữa các chỉ tiêu, mục tiêu và giải pháp. Đồng thời, cần kế thừa những kinh nghiệm quốc tế một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!