Đề minh họa thi vào 10 tại Hà Nội môn Vật lí: Cần thay đổi cách học cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm

Trung tâm tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 01/11/2018 19:56 GMT+7

VTV.vn - "Đề thi không khó nhưng quan trọng nhất là thay đổi cách học và rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm" - thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên Vật lí, nhận định.

Cấu trúc đề phù hợp, bám sát chương trình sách giáo khoa

Nhận định về đề minh họa thi vào lớp 10 tại Hà Nội môn Vật lí, thầy Nguyễn Quyết Thắng nói: "Phần lớn là kiến thức cơ bản, bám sát chương trình sách giáo khoa và bao gồm tất cả các chương trong SGK Vật Lí 9: Điện học, Điện từ học, Quang học, Sự bảo toàn và chuyển hóa năng lượng. Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu thuộc kiến thức rất cơ bản của vật lí THCS nói chung và đã được học ở lớp dưới như trọng lực, tính dẫn nhiệt, cấu tạo chất, máy cơ đơn giản... Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 8 chiếm 20% tổng số câu hỏi của đề thi".

Đề minh họa thi vào 10 tại Hà Nội môn Vật lí: Cần thay đổi cách học cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Quyết Thắng - Giáo viên bộ môn Vật lí

Đề minh họa môn Vật lí được đánh giá là dài hơn các môn khác với khoảng 30 câu lý thuyết, 10 câu bài tập, chủ yếu là các câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết - thông hiểu và vận dụng. Học sinh chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản là có thể hoàn thành tốt bài thi trong 60 phút. "Với các em khá giỏi thì hoàn toàn có thể hoàn thành xong sớm hơn 10-15 phút so với thời gian thi" - thầy Thắng nhận định.

Đề minh họa thi vào 10 tại Hà Nội môn Vật lí: Cần thay đổi cách học cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm - Ảnh 2.

Cấu trúc đề thi minh họa môn Vật lí tuyển sinh vào 10 năm 2019 tại Hà Nội

Có thể nói, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thực hiện đúng mục tiêu là giúp các em học sinh hình thành nhận thức học đều các môn, không học tủ - học lệch. Thầy Thắng cho rằng đề thi minh họa môn Vật lí như của Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố sẽ không tạo thêm nhiều áp lực thi cử cho học sinh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu thi tuyển chung của thành phố.

Hình thức thi trắc nghiệm yêu cầu học sinh phải thay đổi cách học

Với cấu trúc và mức độ đề thi minh họa thì, học sinh lớp 9 tại Hà Nội chỉ cần học chắc kiến thức trong SGK, biết áp dụng các công thức trong các bài toán đơn giản là có thể hoàn thành tốt bài thi.

Điều cần lưu ý dành cho các bạn học sinh lớp 9 chính là đề thi này 100% trắc nghiệm. Việc thay đổi phương thức thi vào lớp 10 cũng sẽ đặt ra yêu cầu các em học sinh phải rèn luyện kĩ năng cũng như kiến thức theo một cách khác. Điều này yêu cầu học sinh lớp 9 cần điều chỉnh cách học và ôn thi thật nhanh chóng.

Thầy Thắng nhận định: "Đề gồm 40 câu, phải hoàn thành trong 60 phút nên học sinh chỉ có 1,5 phút cho một câu. Bởi vậy, với câu lý thuyết, các em học sinh cần phải khoanh được nhanh. Với những câu bài tập, học sinh cần biết những mẹo, những thủ thuật, biết kĩ năng dùng máy tính thực sự thành thạo thì mới có thể 'chạy đua với thời gian' được".

Các thầy cô đều nhận định rằng kiến thức trong đề thi trắc nghiệm sẽ rộng hơn, có nhiều phần ứng dụng, liên hệ thực tế, kiến thức trải dài trong sách giáo khoa. Những phần kiến thức ít được để ý lại gặp nhiều trong đề thi trắc nghiệm. Bởi vậy, các bạn học sinh lớp 9 buộc phải nắm thật chắc tất cả các mảng kiến thức trong năm học lớp 9 này.

Thầy Thắng cũng đưa ra lời khuyên cho các học sinh lớp 9 tại Hà Nội: "Các em nên rèn thói quen tổng hợp kiến thức ra sổ tay để tiện ôn tập, rèn các kĩ năng sử dụng máy tính và tập trung cao độ, tác phong nhanh nhẹn khi làm bài thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, hãy tìm cho mình một phương pháp học tập hợp lý nhất".

Với những bạn học sinh đang lo lắng và có ý định đi học thêm tràn lan, thầy Thắng cho rằng: "Không nên đi học thêm tràn lan, các em chỉ còn khoảng 7 - 8 tháng và phải học 9 môn, đi học thêm tất cả các môn vừa tốn thời gian, vừa gây ra những áp lực không đáng có. Hãy tập trung bài giảng trên lớp, chủ động tự học ở nhà thay vì đi học thêm, tăng cường tự luyện bài tập trắc nghiệm trong quá trình học".

Việc thay đổi phương thức thi lên 4 môn sẽ loại bỏ tình trạng môn chính môn phụ cũng như việc học tủ, học lệch. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức thi sang dạng trắc nghiệm cũng tạo những áp lực nhất định cho học sinh và phụ huynh. Học sinh cần sắp xếp thời gian phù hợp, chủ động nắm kiến thức ngay trên lớp kết hợp với tự học ở nhà, tìm hiểu các tài liệu, bài giảng trên mạng để ôn tập thường xuyên các chuyên đề, dạng bài. Đặc biệt, cần tránh việc học thêm tràn lan, mất thời gian, gây mệt mỏi mà không hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước