Đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: Đề thi phân hóa mạnh, đạt điểm 9-10 phải giỏi

Hương Chi-Thứ hai, ngày 10/08/2020 15:23 GMT+7

Thí sinh hoàn thành thi buổi sáng 10/8/2020.

VTV.vn - Đề có độ phân hóa học sinh là nhận định chung của nhiều thầy cô giáo về các môn thi trong tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1.

ĐỀ THI MÔN HÓA HỌC: PHỔ ĐIỂM TRUNG BÌNH TỪ 5 - 7,5

Nhiều giáo viên dự đoán, với nội dung đề thi Hóa học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phổ điểm trung bình từ 5 -7,5 điểm, có độ phân hóa cao đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Cô giáo Vũ Thị Thu Hà: Đề có những câu hỏi về thí nghiệm, thực hành hay

Cô Vũ Thị Thu Hà - Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, cấu trúc đề thi môn Hóa năm nay bám sát đề thi minh họa lần 2 của Bộ GD&ĐT. Nội dung kiến thức nằm trong khung chương trình đã được tinh giản. Ma trận đề đảm bảo bốn cấp độ: 20 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu, 10 câu vận dụng trong đó có 3 câu vận dụng cao. So với đề năm ngoái, đề năm nay nhẹ nhàng hơn đúng với tinh thần của kỳ thi tốt nghiệp, nhiều câu hỏi về thí nghiệm thực hành hay.

Dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình từ 5 -7,5 điểm, có độ phân hóa cao đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

Cô giáo Nguyễn Thị Tùng Diệp: Không dễ đạt điểm 9

Nhận định về đề Hóa, cô giáo Nguyễn Thị Tùng Diệp, giáo viên Trường THPT Thăng Long, Hà Nội cho biết, về cấu trúc, đề thi giữ nguyên tỉ lệ câu hỏi lý thuyết/bài tập là 30/10 so với đề minh họa lần 2 năm 2020. Độ khó giảm so với đề thi THPT quốc gia năm 2019.

Đề thi không xuất hiện các bài liên quan đến điện phân, đồ thị, hình vẽ nhưng có câu hỏi gắn với thí nghiệm thực hành để đánh giá năng lực thực hành thí nghiệm của học sinh trong quá trình học tập.

Dự đoán, với đề thi này, học sinh trung bình nắm được kiến thức cơ bản có thể dễ dàng đạt được mức điểm 5-5,5; học sinh giỏi có thể đạt được mức điểm 8-9; tuy nhiên để đạt điểm trên 9 là không dễ dàng.

Đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: Đề thi phân hóa mạnh, đạt điểm 9-10 phải giỏi - Ảnh 1.

ĐỀ THI MÔN VẬT LÝ: ĐỀ PHÂN HÓA CAO, RẤT KHÓ ĐẠT ĐIỂM 10

Thầy giáo Nguyễn Phi Long: Độ phân hóa cao, thiếu vắng câu hỏi thực tế

Thầy Nguyễn Phí Long, giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), nhận xét mã đề 222: "Cấu trúc của đề tương tự như đề minh họa lần 2 của Bộ GDĐT. Nội dung kiến thức trong đề có 4 câu hỏi lớp 11, còn lại 36 câu là thuộc chương trình lớp 12".

Đánh giá chung, thầy Long cho rằng đề hay, độ phân hóa cao, có thể đạt được cả 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, kể cả những trường top đầu vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Tuy nhiên, đáng tiếc là đề còn thiếu vắng các câu hỏi thực tế.

Cô giáo Nguyễn Thùy Linh: Để đạt được điểm 9-10 cần phải giỏi

Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam nhận định, học sinh có học lực trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm, để đạt được 9 -10 cần phải giỏi. Đề có độ phân hóa để các trường đại học xét tuyển sinh. Các câu vận dụng và vận dụng cao rơi chủ yếu vào chương trình học kỳ I của lớp 12.

Trong số các câu vận dụng và vận dụng cao có 1 câu thuộc phần quang học lớp 11 có thể gây khó khăn cho học sinh vì đây là phần kiến thức các em cần nắm vững và ghi nhớ.

Để đạt được 9 -10 điểm là khó và có thể nói là rất khó để đạt được điểm 10.

ĐỀ THI MÔN SINH HỌC: ĐỀ NHẸ NHÀNG, CÂU HỎI MANG TÍNH THỰC TIỄN

Cô giáo Ngô Thị Hiên: Câu hỏi mang hơi thở cuộc sống

Cô Ngô Thị Hiên, giáo viên Trường THPT Đoàn Kết, Hà Nội nhận định, nhìn chung, đề thi bám sát nội dung chương trình, có cấu trúc tương tự như đề tham khảo lần 2 mà Bộ GDĐT công bố.

40 câu hỏi trắc nghiệm trong đề có đầy đủ các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự khó tăng dần.

Đặc biệt, đề năm nay có những câu hỏi hay, mang hơi thở cuộc sống. Ví dụ, câu 104 (mã đề 223) hỏi về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; hoặc câu 108 (mã đề 223) hỏi về một bệnh nhân bị bệnh tim được lắp máy trợ tim có chức năng phát xung điện cho tim. Một số câu hỏi trong đề khá hay, có tính thực tiễn nhưng không hề khó, đánh đố.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Dậu: Nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn

Cô Nguyễn Thị Bích Dậu, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) đánh giá, đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh khó hơn đề minh họa lần 2. Tuy nhiên, nhìn chung các câu hỏi chủ yếu nằm ở mức độ nhớ - hiểu, các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao không quá nhiều tập trung chủ yếu ở phần Quy luật di truyền.

Học sinh nắm chắc kiến thức ở mức độ hiểu có thể đạt 5 - 6 điểm. Các kiểu ra câu hỏi, bài tập không thay đổi so với đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước.

Đề thi chính thức môn Vật lý, bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Đề thi chính thức môn Vật lý, bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Đề thi chính thức môn Hóa học, bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Đề thi chính thức môn Hóa học, bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Đề thi chính thức môn Sinh học, bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Đề thi chính thức môn Sinh học, bài thi Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước