Đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 ở TP Hồ Chí Minh trở lại trường từ tháng 12

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 29/10/2021 13:24 GMT+7

Sở GD

VTV.vn - Sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, học sinh lớp 9 và 12 được đi học trực tiếp vào đầu tháng 12 theo đề xuất của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 vào sáng 29/10.

Theo ông Hiếu, đầu tháng 12 tới, khi học sinh trong độ tuổi quy định được tiêm đủ 2 mũi vaccine, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng phương án và đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh cho học sinh tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 đi học trực tiếp, ưu tiên trước là lớp 9, lớp 12.

Kế hoạch cụ thể sẽ căn cứ vào việc từng quận, huyện rà soát, đánh giá cấp độ dịch của địa phương để trình lên UBND quyết định cho học sinh học trực tiếp trở lại.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, về việc tổ chức đi học lại, Sở sẽ xây dựng kế hoạch lấy ý kiến của các sở ngành và phụ huynh học sinh. "Việc trở lại trường phải trên quan điểm, đến trường là phải an toàn và an toàn thì mới đến trường", ông Hiếu nói.

TP Hồ Chí Minh hoàn thành mục tiêu kép trong giáo dục

Trong năm học 2020-2021, ngành giáo dục Thành phố đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Trong thời điểm học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các trường đã tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức khác nhau như ghi hình bài giảng, đăng tải lên website trường định kỳ theo tuần, tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến qua các công cụ Zoom, Microsoft Teams, Facebook livestream, giao bài tập qua zalo, viber…

Đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 ở TP Hồ Chí Minh trở lại trường từ tháng 12 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ tổng kết năm học

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19, trong đó việc đảm bảo an toàn, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học.

Song song đó, cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian dạy - học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy - học trên mạng Internet, trên truyền hình, tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh, xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập.

Năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số để tổ chức dạy học qua internet và phần mềm phục vụ việc triển khai phiếu học tập cho các đối tượng học sinh.

Đặc biệt, ngành giáo dục xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt đối với các môn tin học và ngoại ngữ, thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ thêm, thời gian qua TP có hơn 1.500 trường học được trưng dụng trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện đã chuyển giao lại hơn 250 trường để chuẩn bị cho việc học trực tiếp. Dù đang học trực tuyến nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng để chuyển sang trạng thái học trực tiếp.

Tính đến cuối năm 2020, tổng số trường học trên địa bàn TP là 2.366 trường (tăng 40 trường so với năm học trước), trong đó bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.374 trường (tăng 28 trường so với năm học trước). Kế đến là tiểu học với 507 trường (tăng 7 trường so với năm học trước), THCS có 283 trường và THPT có 202 trường.

Tổng số học sinh toàn TP là 1.682.908 em, giảm 2.811 học sinh so với năm học trước. Áp lực dân số cơ học tăng cao đã tạo áp lực về cơ sở hạ tầng tại một số quận, huyện, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày.

Trong tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh ngày 27/10, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã đề xuất phương án mở cửa trường học theo cấp độ dịch của từng địa bàn.

Địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) được tổ chức dạy trực tiếp nhưng phải đảm bảo giãn cách, bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Các trường ngoài công lập ở những địa bàn này, nếu đảm bảo điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.

Các trường đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học, đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao), các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình.

Để được phép tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải được Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 đánh giá an toàn, đảm bảo theo bộ tiêu chí an toàn trường học của TP Hồ Chí Minh. Học sinh, học viên, sinh viên phải được bố trí học lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học.

Các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước