Ảnh minh hoạ.
Những ngành "hot" điểm vẫn cao
Ba ngành dự kiến có đầu vào cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo có mức điểm chuẩn trên 28. Đây cũng là những ngành có điểm chuẩn cao nhất những năm gần đây.
Tuy nhiên, một số ngành dự kiến chỉ lấy 20 - 22,75 điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội là: Công nghệ dệt may, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học và kỹ thuật vật liệu (chương trình tiên tiến). So với năm ngoái, mức này tăng khoảng 0,75 điểm.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc thông tin, điểm trung bình của 6 trên 9 môn thi tốt nghiệp THPT tăng từ 0,06 đến 1,04 điểm. Trong đó, có những môn thuộc tổ hợp xét tuyển chính của trường như Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật lý. Do đó, điểm chuẩn sẽ tăng theo xu hướng chung.
Với 6 ngành mới như: Kỹ thuật phần mềm, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến điểm chuẩn sẽ trên 26, do đây đều là những ngành được quan tâm, phù hợp xu thế thị trường lao động.
Một số chuyên gia dự báo điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm trước ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1 - 3 điểm. Những ngành hot, có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm trước, mức cạnh tranh sẽ lớn hơn.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, các ngành đào tạo của Trường Đại học Hà Nội có nhu cầu xã hội cao và thuộc nhóm có điểm chuẩn đầu vào cao, nên thí sinh phải có mức điểm trung bình mỗi môn thi tốt nghiệp THPT từ 7,5 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển vào trường. Năm 2023, điểm chuẩn của đa số các ngành của trường đã từ 30,95 điểm (trên thang điểm 40, môn Ngoại ngữ nhân đôi) trở lên.
Với một số ngành hot như: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Marketing, Công nghệ thông tin, Truyền thông Đa phương tiện... thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn từ 8,5 - 9 điểm trở lên mới đảm bảo khả năng trúng tuyển.
Điểm chuẩn đầu vào của các ngành này dự đoán vẫn ổn định ở mức cao, trong khoảng 34 - 36 điểm theo thang điểm 40 hoặc 24-26 điểm theo thang điểm 30 với ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông đa phương tiện. Đặc biệt, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc (ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Hà Nội năm 2023) có thể sẽ tăng.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận, phổ điểm các khối năm nay cao hơn năm 2023, ngoại trừ khối B00 có giảm nhẹ. Dựa vào chỉ tiêu phân bổ các trường xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn của các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh doanh quản lý (thường tuyển khối C00, D01) có thể sẽ tăng từ 0,5-1 điểm.
Riêng khối ngành sức khoẻ (thường xét tuyển khối B00), dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp điểm chuẩn có thể giảm nhẹ. Khối ngành xét tuyển khối A00, A01 điểm chuẩn có thể tăng nhưng không đáng kể.
"Điểm chuẩn C00, D01, D96 có thể tăng nhẹ. Điểm chuẩn B00 có thể chững lại hoặc giảm không nhiều. Điểm chuẩn A00, A01 tăng nhưng không đáng kể"- ông Nhân nói. TS Nhân cho hay, điểm chuẩn tăng là do điểm thi vào và tỷ trọng các trường xét điểm thi tốt nghiệp không nhiều.
Riêng Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, dự kiến điểm chuẩn tăng không nhiều vì nhà trường còn dành hơn 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển từ thi tốt nghiệp.
Các trường đại học công bố điểm chuẩn trước 17 giờ ngày 19/8
Theo lịch tuyển sinh, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, tất cả thí sinh sẽ nộp lệ phí nguyện vọng trực tuyến. Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ lọc ảo trước khi trả kết quả cho các trường đại học.
Để tránh hiện tượng quá tải, Bộ GD&ĐT chia thành 6 đợt để thí sinh các tỉnh thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024. Đây là quy định mới giúp bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh trong quá trình thực hiện thanh toán trực tuyến.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, thí sinh chỉ thực hiện việc nộp lệ phí trên hệ thống xét tuyển, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác. Trường hợp phát sinh kênh thanh toán khác, Bộ GD&ĐT sẽ có thông báo trên hệ thống xét tuyển và các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp thí sinh không nhìn thấy nút "Thanh toán" tại giao diện đăng ký nguyện vọng xét tuyển, có nghĩa là thời điểm đó không thuộc khoảng thời gian nộp lệ phí hoặc đang được tạm ẩn nhằm chống nghẽn hệ thống thanh toán. Trong quá trình thanh toán trực tuyến, thí sinh có thể gặp tình huống tắc nghẽn hệ thống. Thí sinh không nên cố gắng truy cập lại ngay, chờ khoảng 30 phút rồi thực hiện lại. Trường hợp nhận được thông báo giao dịch thất bại, thí sinh có thể thực hiện lại trên kênh thanh toán đó hoặc chuyển sang lựa chọn kênh thanh toán khác.
Trước 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ ngày 28/8, các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các trường xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!