Năm thứ hai Trường Tiểu học Phú Quới A, tỉnh Vĩnh Long giảng dạy môn công nghệ dù vậy, trường vẫn trống giáo viên môn học này. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhà trường đành cử 2 giáo viên dạy Tin học sang dạy môn Công nghệ.
Ở cấp THCS và THPT, môn Công nghệ không phải là môn học mới. Đây là môn học bắt buộc trong chương trình cũ tuy nhiên, phần lớn các trường ở đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu giáo viên chuyên ngành này. Công tác tuyển dụng được thực hiện thường xuyên nhưng lại không có giáo viên ứng tuyển.
Bà Trần Hồng Ngọc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Thít, Vĩnh Long cho biết: ''Có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển dụng chính. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên có chuyên môn Sinh học dạy Công nghệ lớp 6, 7 hoặc chuyên môn Vật lí dạy Công nghệ lớp 8, 9".
Nhu cầu lớn nhưng việc đào tạo giáo viên chuyên ngành Công nghệ lại gặp nhiều khó khăn. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là một trong hai cơ sở ở miền Tây được cấp phép đào tạo ngành học này từ năm 2021. Nhưng 3 năm qua, trường chỉ tuyển được khoảng 60 chỉ tiêu dù học ngành Công nghệ, sinh viên được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trong lúc học sinh còn mơ hồ về ngành học thì các địa phương cần có cơ chế phối hợp với trường đại học đào tạo giáo viên Công nghệ theo nhu cầu. Có như vậy, ngành giáo dục đồng bằng sông Cửu Long mới có đủ giáo viên Công nghệ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, tránh chắp vá như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!