Đang gần vào năm học mới, một nỗi lo đang hiện hữu ở nhiều trường học khu vực ĐBSCL hiện nay là thiếu giáo viên.
Năm học này, TP Cần Thơ thiếu gần 700 giáo viên ở cả 4 cấp học, nhiều nhất là giáo viên bậc tiểu học. Còn tại Hậu Giang, năm học trước thiếu hơn 800 giáo viên nhưng hiện nay, con số này đã tăng lên gần 1.200. Tại Đồng Tháp, năm học mới này, toàn tỉnh cần thêm hơn 850 giáo viên. Trong đó nhiều nhất là giáo viên tiểu học, mầm non, các môn cần giáo viên như tiếng Anh, Tin học.
Nguyên nhân của tình trạng này được nhận định là do thu nhập không cao so với các nghề khác nhưng áp lực công việc có chiều hướng tăng.
Câu chuyện thiếu giáo viên lại càng được quan tâm khi chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới sắp bắt đầu. Thiếu đi người thầy sẽ khó có thể đảm bảo được việc dạy học hàng ngày, chứ chưa nói tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
Thiếu giáo viên, nhiều cơ sở giáo dục đã phải tìm tới các giải pháp chữa cháy như là biệt phái, dạy liên trường... để đảm bảo việc dạy và học.
Năm học 2023-2024, Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, có 38 lớp với khoảng 1.600 học sinh. Số lớp và số học sinh đều tăng nhưng số lượng giáo viên lại không tăng mà còn giảm. Hiện trường đang thiếu đến 13 giáo viên trước thềm năm học mới.
Không chỉ ở các huyện vùng xa, các trường học và cơ sở giáo dục tại thành phố Bạc Liêu cũng đang thiếu giáo viên nghiêm trọng. Năm học mới đã cận kề nhưng địa phương này còn thiếu khoảng 110 giáo viên so với chỉ tiêu biên chế được giao.
Theo ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên đặc biệt diễn ra nghiêm trọng ở các môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương ở Bạc Liêu "chữa cháy" bằng cách hợp đồng, thỉnh giảng tạm thời, đảm bảo học sinh được học các môn bắt buộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!