Đồng Nai: Nhân rộng mô hình Phân loại rác tại nguồn trong trường học

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 16/10/2019 06:03 GMT+7

VTV.vn - Thứ 2 hàng tuần, các học sinh từ khối mầm non đến THCS huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) có 15 phút đầu giờ để trang bị kiến thức và kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Đó là mô hình "Phân loại rác tại nguồn cho trường học" do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Mỹ thực hiện. Mô hình được triển khai tại 58 trường học trên địa bàn huyện. Đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở, các cán bộ về môi trường của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sẽ tổ chức tuyên truyền vào mỗi giờ chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần. Đối với bậc học mầm non, tùy theo độ tuổi sẽ được tổ chức tuyên truyền lồng ghép ở các buổi hoạt động ngoại khóa.

Sau khi nghe hướng dẫn việc phân loại, thu gom và quản lý các loại chất thải, các em tham gia trả lời các câu hỏi đơn giản với nhiều món quà tặng. Đây là một việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, thu hút đông đảo các em tham gia. Bên cạnh đó, mỗi trường được tặng 3 thùng rác với các ký hiệu gồm rác hữu cơ, rác vô cơ và rác thải nguy hại để các em để nhận biết và phân loại sau khi sử dụng. Từ đó, các em thêm hiểu biết và giúp chương trình phân loại rác thải thực hiện hiệu quả hơn.

Đồng Nai: Nhân rộng mô hình Phân loại rác tại nguồn trong trường học - Ảnh 1.

Em Phạm Phương Chi (lớp 5.2, Trường Tiểu học Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây em không biết phân biệt các loại rác, thường bỏ chung với nhau rồi vứt vào thùng rác. Từ khi được hướng dẫn cách phân loại rác, em đã biết đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ và rác thải nguy hại. Rác nào có thể tái chế được và rác nào thì không tái chế được. Từ nay em sẽ phân loại và không vứt rác bừa bãi nữa, em cũng sẽ tích cực tuyên truyền tới bạn bè, cha mẹ và những người thân trong gia đình.

Theo cô Phan Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, để giúp các em dễ nhận biết các loại rác, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, có những hiện vật là rác trực quan để các em dễ dàng nhận biết. Khi hướng dẫn các em, giáo viên thường nhấn mạnh đâu là rác thải tái chế được và đâu là rác thải nguy hại, tác hại của việc không phân loại rác để các em hiểu rõ hơn. Sau hơn một tháng hướng dẫn cách nhận biết và phân loại rác, đến nay các em đã biết tự cầm rác và bỏ vào các thùng thích hợp. Nhiều phụ huynh cũng cho biết là các con về nhà tự giác phân loại rác và đôi khi còn "dạy" lại cha mẹ cách phân loại rác thải trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Xuân Viên - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Mỹ cho hay, việc thực hiện mô hình Phân loại rác tại nguồn trong trường học nhằm mục đích trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và tập thói quen phân loại rác. Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết là giảm được nguồn rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Để mô hình được thực hiện hiệu quả, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cử cán bộ xuống từng trường, hướng dẫn cho giáo viên và học sinh cách phân loại rác, góp phần nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, các em sẽ là những người trung gian, tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ môi trường sống, hạn chế rác thải nguy hại, khó phân hủy, xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước