Hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam lên tới hơn 13 triệu tấn/năm, tăng 10% mỗi năm. Điều đáng lo ngại là lượng rác này chưa được phân loại ngay từ nguồn. Phần lớn rác thải mới chỉ được chôn lấp, vừa lãng phí quỹ đất, ô nhiễm môi trường, lại lãng phí rác thải có thể tái chế. Để giải quyết tình trạng này, việc áp dụng phân loại rác tại nguồn như nhiều quốc gia trên thế giới đang được coi là một trong những giải pháp hiệu quả. Nhiều hộ dân ở các đô thị, nhất là các khu chung cư mới cũng đang mong muốn áp dụng biện pháp này.
Hàng ngày, chị Trịnh Lệ Hằng - chung cư D'Le Roi Soleil - một trong những khu cư mới ở Hà Nội - thường cho tất cả rác thải của gia đình vào chung một thùng rác, sau đó mang đi cho vào thùng rác của khu chung cư. Mỗi tầng của chung cư cũng đều chỉ có một thùng rác duy nhất cho các hộ dân.
"Tất cả các loại rác cho vào chung một thùng cũng rất bất tiện. Vì vậy, tôi mong muốn rác sẽ được phân loại từ nhà và sẽ có thùng để các loại rác riêng để người thu gom rác đỡ vất vả", chị Hằng nói.
Ban quản lý chung cư cũng dự kiến, thời gian tới, thay vì một thùng rác như hiện nay, sẽ có thêm một thùng rác nữa để người dân có thể để riêng nguồn rác thải có thể tái chế. Nhưng vấn đề đặt ra là rác sau khi phân loại sẽ được tái chế như thế nào hiện vẫn là bài toán chưa có lời giải ở nhiều đô thị.
Trước đây, Hà Nội và TP.HCM đã thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tại Hà Nội đã thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 4 phường: Phan Chu Trinh, Thành Công, Nguyễn Du và Láng Hạ, nhằm giảm 30% lượng rác chôn lấp. Nhưng do chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng, rác được thu gom chung và không được tái chế triệt để nên hết thời hạn thí điểm, dự án không thể mở rộng.
Tại TP.HCM cũng đang bắt đầu tái khởi động phân loại rác tại nguồn, nhưng vẫn còn trên 70% rác thải được xử lý bằng chôn lấp.
Năm 2018, Thủ tướng đã có quyết định 491 về chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn, nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình. Điều này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và áp dụng chính sách phù hợp để phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn ngay từ nguồn phát sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!