"Đừng thấy đỗ tốt nghiệp cao mà cho rằng chuẩn thấp"

Kim Hải-Thứ năm, ngày 19/06/2014 14:59 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ trong cuộc trao đổi với VTV khi được hỏi về việc liệu có bỏ kỳ thi TN bậc THPT hay không khi tỉ lệ đỗ năm nào cũng gần 100%.

Ngày 18/6 là hạn chót các địa phương phải hoàn tất việc chấm thi và công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Đến 17h ngày 18/6, theo số liệu chính thức Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc gặp mặt báo chí, đã có 60 tỉnh thành chấm thi xong.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cho đến thời điểm hiện tại là 98,99% đối với bậc THPT, chỉ tăng 0,01% so với năm ngoái. Bậc Giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đỗ đột biến, tăng 10% so với năm ngoái. Nhiều địa phương độ 99%. Điều này không nằm ngoài dự đoán vì năm nay thí sinh được tự chọn môn thi theo sở trường của mình nên kết quả chắc chắn cao hơn những năm trước. Số liệu đầy đủ sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong vài ngày tới.

 
 

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao đang đặt ra nhiều băn khoăn đối với dư luận, làm nóng các diễn đàn về tính khách quan, chính xác và sự cần thiết hay không của kỳ thi này. Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh kỳ thi này:

Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm này, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được các địa phương công bố và bước đầu cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay rất cao khi nhiều địa phương đỗ 99% và có những trường đỗ 100%. Là Trưởng Ban chỉ đạo thi, ông có bình luận như thế nào về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết chúng ta phải xác định được mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là gì. Kỳ thi tốt nghiệp nhằm xác định mặt bằng, yêu cầu học sinh có đạt được trình độ công nhận tốt nghiệp phổ thông hay không. Mục đích thứ hai của kỳ thi cũng quan trọng đó là thông qua đó tác động trở lại quá trình dạy và học để nâng cao dần chất lượng năm này qua năm khác. Kỳ thi năm nay, tôi đánh giá về cơ bản đáp ứng được hai mục tiêu đó. Tất nhiên, những kỳ thi năm sau sẽ tốt hơn khi có những cải tiến.

Chính Bộ GD-ĐT từng thừa nhận, chất lượng học sinh ở bậc phổ thông hiện nay là chưa đáp ứng được với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nhưng, trong một kỳ thi mà gần như tất cả các em học sinh đều được công nhận tốt nghiệp như vậy thì có phải chuẩn mà chúng ta đặt ra là thấp hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đừng thấy đỗ tốt nghiệp cao mà cho rằng chuẩn thấp. Chuẩn của chương trình được đặt ra từ đầu. Và nếu so sánh với thế giới, thế giới cũng đã công nhận chất lượng của nước ta. Chất lượng học sinh khi đi thi học sinh giỏi về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi Olympic các môn khoa học đều tốt cả.

Thưa Thứ trưởng, câu hỏi đặt ra là: Nếu gần như tất cả các học sinh thi tốt nghiệp đều đỗ thì liệu chúng ta có cần thiết duy trì một kỳ thi tốn kém hàng nghìn tỷ đồng như vậy không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi hỏi bạn, có cơ sở hay doanh nghiệp nào khi có 100% sản phẩm đạt yêu cầu thì người ta bỏ kiểm tra đầu ra sản phẩm hay không. Giáo dục cũng như vậy. 100% người đỗ tốt nghiệp, đạt được yêu cầu không có nghĩa rằng số đó đảm bảo sang năm cũng 100% số người có thể đỗ tốt nghiệp.

Vì vậy, việc kiểm tra để đánh giá chất lượng, đạt được yêu cầu để công nhận tốt nghiệp hay không là việc phải làm, không thể bỏ được. Nhưng chúng ta cố gắng làm thế nào để việc thi cử càng ngày càng đạt được mục tiêu mà mình đặt ra là đánh giá đúng chất lượng học tập, dạy và học của nhà trường, kết quả học tập của học sinh. Làm thế nào để đánh giá được khách quan, công bằng, nghiêm túc.

Nhìn nhận từ cách thức tổ chức cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT của năm này thì Bộ GD-ĐT rút ra được những kinh nghiệm gì trong lộ trình đổi mới thi cử, kiểm tra và đánh giá trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kinh nghiệm đầu tiên là phải quyết tâm đổi mới. Như các bạn đã biết, khi Bộ quyết định đổi mới trong kỳ thi năm nay đã có rất nhiều ý kiến bàn tán, nhưng Bộ vẫn quyết tâm và được toàn ngành ủng hộ. Chúng ta đã bắt đầu đổi mới đúng hướng và tạo điều kiện đổi mới tiếp theo trong những năm sau.

Kinh nghiệm thứ hai, cố gắng đảm bảo tốt công tác đồng bộ đổi mới từ đổi mới việc học, đổi mới việc thi. Nếu chất lượng học không thực chất thì không thể nói một kỳ thi nghiêm túc. Nếu chất lượng học không hướng tới đánh giá năng lực thì không có năng lực để đánh giá. Nghĩa là chúng ta không có kỳ thi đúng với mục tiêu mà mình đặt ra.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

Quý vị quan tâm tới nội dung này có thể xem lại trong video dưới đây:

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước