Tranh cãi về quy định đình chỉ học sinh vi phạm giao thông nhiều lần

Gia đình cần có trách nhiệm răn đe con em khi tham gia giao thông

Trần Thùy-Thứ sáu, ngày 18/03/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGTQG việc thực hiện quy định không chỉ phụ thuộc vào cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của nhà trường, gia đình học sinh.

Quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông mới được Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong đó có nội dung: "Những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe", đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của chính người trong cuộc.

Nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng, quy định trên không hợp lý, phản giáo dục và không thể thực thi. Tiếp cận một nhóm học sinh trường THPT Quang Trung (Đống Đa - Hà Nội), đa số các bạn cho rằng: "Giai đoạn học cấp 3 là giai đoạn rất quan trọng, nếu đình chỉ học sẽ gây khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức trên lớp, cũng như phục hồi kiến thức sau thời gian đình chỉ. Nếu học sinh nào vi phạm, nghĩa là ý thức của các bạn chưa tốt. Nếu bị đình chỉ học vô tình lại đẩy các bạn vào những thói hư, tật xấu khác".


Đa phần học sinh và phụ huynh cho rằng: Xử phạt học sinh vi phạm bằng biện pháp đình chỉ học một tuần là chưa hợp lý (Ảnh Trần Thùy)

Đa phần học sinh và phụ huynh cho rằng: "Xử phạt học sinh vi phạm bằng biện pháp đình chỉ học một tuần là chưa hợp lý" (Ảnh Trần Thùy)

Cùng chung nhận định, Đình Hoàng (lớp 12, THPT Quang Trung) chia sẻ: "Đa số tâm lý học sinh chúng em thường vui khi nhận được thông báo nghỉ học một tiết hay một buổi. Tương tự như vậy nếu người vi phạm bị buộc thôi học một tuần thì coi như được 'tận hưởng' một tuần vui chơi thỏa thích. Em không đồng tình với cách xử phạt này vì ít có tác dụng giáo dục và răn đe".

"Thay vào đó có thể phạt học sinh vi phạm đi lao động công ích sau giờ học hoặc cho các bạn trải nghiệm cuộc sống của những cô lao công, hay những người lao động vất vả từng ngày để các bạn vừa tiếp thu kiến thức ở trường lại vừa cảm nhận được cuộc sống" - Đình Hoàng đề xuất thêm.

Một học sinh khác cũng bày tỏ quan điểm: "Không đồng tình không có nghĩa là sẽ không thi hành và áp dụng biện pháp khác cho những bạn vi phạm. Vì nhiều bạn thường coi thường pháp luật, không đội mũ khi ra đường, xe chở 5, chở 7. Nếu không xử lý nghiêm có thể sẽ gây cả tai nạn cho người khác".

Không chỉ các bạn học sinh mà các bậc phụ huynh cũng đưa ra những quan điểm không ủng hộ hình thức xử phạt này. Cô Hà An (Trường Chinh, Hà Nội) cho hay: "Đình chỉ học là hình thức kỷ luật chưa hợp lý vì sẽ làm mất đi một phần kiến thức của học sinh trong một tuần đình chỉ. Mặt khác, trong thời gian nghỉ học không có ai cai quản các em lại càng dễ sa đà mà không rút ra được bài học gì".


Nhà trường nên có thêm một số tiết học về an toàn giao thông, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh. (Ảnh Trần Thùy)

Nhà trường nên có thêm một số tiết học về an toàn giao thông, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh. (Ảnh Trần Thùy)

Một số phụ huynh đề nghị trường nên có thêm một số tiết học phổ biến kiến thức về luật giao thông, dẫn chứng những vụ tai nạn có thể xảy ra nếu học sinh không chấp hành. Hơn hết, người lớn cũng nên là tấm gương cho học sinh noi theo. "Khi đón con, tôi thấy một số phụ huynh không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, thậm chị vượt đèn đỏ với tốc độ nhanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến ý thức giao thông của học sinh và các em nhỏ kém đi" - chị Thanh (Trường Chinh, Hà Nội) chia sẻ.

Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng theo nhận định của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) quy định mới này là hoàn toàn có cơ sở: “Trong thông tư của Bộ giáo dục có quy định rằng, nếu học sinh vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần sẽ bị buộc thôi học có thời hạn. Vì vậy, về mặt pháp lý, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoàn toàn có căn cứ về pháp lý”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, việc thực hiện quy định trên không chỉ phụ thuộc vào cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của nhà trường và đặc biệt là gia đình học sinh: “Tôi cho rằng nhà trường cần có trách nhiệm đưa ra quy định phối hợp giữa nhà trường và xã hội để thực hiện công tác giao dục pháp luật cho học sinh. Mục đích của quy định không nhằm vào học sinh mà là hồi chuông cảnh tỉnh với phụ huynh. Gia đình phải có trách nhiệm đối với quá trình hình thành nhân cách, thói quen thực hành pháp luật của con em”.

Sau nhiều ý kiến trái chiều và ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản số 1062/KH-SGD-ĐT thay thế văn bản số 925. Nội dung văn bản 1062 giữ nguyên quy định về thời gian thực hiện, chỉ tiêu, nội dung thi đua. Riêng quy định "đình chỉ học một tuần với học sinh vi phạm giao thông nhiều lần” đã bị hủy bỏ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước