Ảnh minh họa. (Nguồn: laptop.edu.vn).
Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã tăng cường đào tạo nghề công tác xã hội nhằm cung cấp nguồn nhân lực để hỗ trợ cho con người phát triển tiềm năng và giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống, nhất là những người thuộc diện "yếu thế" như người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi... Đáng chú ý là tại Gia Lai vẫn còn một số lượng không nhỏ người tàn tật, người neo đơn đang được cộng đồng nuôi dưỡng do tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các trường đào tạo nghề mở 3 khóa học với hơn 200 học viên là những cán bộ, nhân viên, cộng tác viên đang làm công tác xã hội ở các xã, phường, thị trấn; trong đó, có 2 khóa trung cấp lao động xã hội hệ vừa học vừa làm do Trường Cao đẳng nghề Gia Lai và Trường Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở II - Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo. Các học viên hoàn thành khóa học đã nâng cao được những kiến thức cơ bản về nghề công tác xã hội, sau khi trở về địa phương công tác đã thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc cho người thuộc diện "yếu thế", góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bà TrầnThị Hoài Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Gia Lai khẳng định, việc tăng cường đào tạo nghề công tác xã hội là hướng đi đúng và rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay đối với địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những giải pháp tối ưu để tạo nguồn nhân lực vững mạnh, phục vụ có hiệu quả cho công tác này, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển toàn diện và bền vững về cuộc sống của người dân nói chung và những người thuộc diện "yếu thế" nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thành lập được 10 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 6 cơ sở đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho trên 500 đối tượng thuộc nhóm "yếu thế". Trước đây, mạng lưới làm công tác xã hội đã được tăng cường củng cố và mở rộng, song vẫn còn thiếu và yếu so với yêu cầu thực tế; có tới 90% nhân viên phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội ở các xã, thị trấn trong tỉnh làm kiêm nhiệm không đúng chuyên ngành, trong đó có 30% nhân viên không được đào tạo chuyên môn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!