Nhiều người băn khoăn khi một số thí sinh có bài thi được nâng điểm nhưng vẫn được học tiếp tại một số trường đại học, mặc dù khối trường Công an đã kiên quyết hủy kết quả trúng tuyển và trả tất cả thí sinh thuộc diện nâng điểm về địa phương.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, không chấp nhận những cán bộ, giáo viên có hành vi gian lận điểm thi được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành cho nên đã kiến nghị địa phương cho ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ sai phạm.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Hiện nay, các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển, trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang tiếp tục cho theo học.
Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Ít ngày trước, danh tính phụ huynh có con được nâng điểm đã được báo chí điểm danh, ở cả 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Đáng buồn là đúng như những gì dư luận đồn đoán lâu nay, rất nhiều trường hợp gian lận đều là "con ông cháu cha", thậm chí có phụ huynh đang giữ vị trí lãnh đạo ở địa phương.
Theo tờ Tiền phong, có tới 90% cấp lãnh đạo sở, ngành ở Hòa Bình có con em tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đều được nâng điểm và bị trả về. Trong đó có 5 phụ huynh là Phó Giám đốc, Giám đốc Sở.
Tờ báo này bình luận, với vụ việc gian lận lớn và nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử thi cử hiện đại Việt Nam, chỉ bằng cách chủ động vào cuộc quyết liệt của các địa phương có gian lận nhằm xử lý nghiêm minh các phụ huynh có chức quyền liên quan mới có thể lấy lại niềm tin của người dân. Mọi sự chần chừ, né tránh hay bao che chỉ có tác dụng ngược mà thôi.
Sự việc này đã tạo nên hình ảnh xấu về một số cán bộ công chức khi danh sách những người được công bố đều là người nắm giữ các vị trí trong các cơ quan công quyền của địa phương. Nó khiến niềm tin của người dân bị lung lay khi có những người là cán bộ trong ngành giáo dục, công an, đang làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, nắm rõ nhất quy chế tuyển sinh lại chính là những người vi phạm.
Có hay không những người lợi dụng chức vụ quyền hạn? Có hay không những người đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ việc này? Việc này đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng làm rõ vụ việc này đến nơi đến chốn. Ai dùng tiền để mua chuộc, ai dùng quyền để tác động thì phải bị xử lý nghiêm khắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!