Mới đây đã diễn ra Hội nghị tham vấn chương trình Giáo dục công dân số do ActionAid quốc tế tại Việt Nam phối hợp với tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông cho thanh thiếu niên thành phố Trà Vinh và thị xã Vĩnh Châu" (gọi tắt là Dự án K2) do ActionAid quốc tế tại Việt Nam và ChildFund Korea đồng tài trợ.
Hội nghị tham vấn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý giáo dục, thông tin truyền thông, chính quyền địa phương, các nhà trường, phụ huynh và học sinh
Khảo sát nhanh 30 trường THCS tại thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) với hơn 15.000 học sinh từ 11 - 15 tuổi cho thấy, cơ sở vật chất và chương trình chưa đáp ứng được các mục tiêu mà đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 đã đề ra. Giáo dục kỹ năng số chưa được đưa vào chương trình chính thức, khoảng 90% trường học vẫn chưa có phòng thực hành máy tính và giáo viên chuyên trách môn công nghệ thông tin. Do vậy, nhiều học sinh không có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tham gia không gian mạng, không thích ứng kịp với tốc độ chuyển đổi số, gây ra nhiều rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân các em và xã hội.
Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV - nhấn mạnh: "Dự án được triển khai nhằm giúp học sinh có các kỹ năng số phù hợp và toàn diện. Hoạt động tham vấn về chương trình Giáo dục công dân số với mục tiêu đảm bảo chương trình giáo dục công dân số được xây dựng phù hợp với nhu cầu và mong đợi của các em học sinh, phụ huynh của các em và giáo viên các trường".
Dự án K2 đã trao tặng mỗi trường tham gia dự án 100 triệu đồng để nâng cao cơ sở vật chất dạy học môn Tin học, giúp giáo viên và các em học sinh được tiếp cận với thiết bị, phần mềm hiện đại.
"Các trường đều có kinh phí nhưng lại chưa có cơ chế chi cho các hạng mục cần thiết để phòng máy có thể vận hành trơn tru. Bộ phát Wi-Fi của trường đã cần được nâng cấp từ lâu, đường điện, điều hòa để máy móc chạy tốt hơn đều cần được lắp đặt và sửa chữa. Chúng tôi thấy rất vui khi dự án khuyến khích các trường tự khảo sát và đề xuất cách sử dụng số tiền mà dự án tài trợ" - cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Tuấn, TP. Trà Vinh, chia sẻ.
Với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, thông qua dự án, sẽ có 3.000 học sinh từ 11 - 15 tuổi tại 10 trường THCS thuộc hai địa phương được học trực tiếp trên máy tính, tìm hiểu cách tham gia an toàn và hiệu quả vào không gian số. Đặc biệt, các em sẽ học cách quản lý tài chính cá nhân - một nội dung mà chưa nhiều gia đình hay nhà trường nào có điều kiện cho các em được học tập và thực hành trực tiếp và trực tuyến, bằng các công cụ trò chơi thực và ảo. Đây cũng là lần đầu tiên một chương trình như vậy được giới thiệu và thử nghiệm cho học sinh trung học cơ sở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với kỳ vọng các em sẽ được chuẩn bị tốt để trở thành công dân có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả khi tham gia không gian số, một kỹ năng bắt buộc phải có khi trưởng thành. Trong đó, mục tiêu cụ thể là nâng cấp 10 phòng máy tính, tổ chức 10 khóa đào tạo tập huấn viên nguồn cho 300 giáo và 100 buổi tập huấn cho 3.000 học sinh tại 10 trường học thuộc địa bàn dự án.
Tại buổi tham vấn, nhiều ý kiến đến từ đại diện các cơ quan quản lý giáo dục, thông tin truyền thông, chính quyền địa phương, các nhà trường, phụ huynh và học sinh đã đóng góp cho dự án, tập trung vào khung chương trình, hình thức triển khai… để tiếp tục hoàn thiện dự án. Trong đó, nhiều phụ huynh đề xuất cần đưa việc giáo dục ứng xử trên không gian mạng, an toàn thông tin và giáo dục quản lý tài chính ngay từ lớp 6 để tạo nền tảng từ sớm khi mà việc trẻ em sử dụng thiết bị di động, truy cập Internet ngày càng phổ biến.
Đại diện các cơ quan quản lý giáo dục, thông tin truyền thông, chính quyền địa phương, các nhà trường, phụ huynh và học sinh đóng góp ý kiến cho dự án
Bà Lê Thị Mộng Thu - phụ huynh học sinh trường THCS Trần Quốc Tuấn - cho biết: "Tôi rất lo lắng thấy con mình đã bắt đầu tham gia mạng xã hội trong khi bản thân tôi cũng còn nhiều lúng túng. Con chưa được trang bị kỹ năng tìm kiếm và sử dụng thông tin từ không gian số. Gia đình tôi ít có điều kiện theo sát con mọi nơi, do đó, tôi rất thích nội dung đào tạo và thực hành kỹ năng an toàn trên không gian số của chương trình. Tôi tò mò muốn hiểu thêm nội dung đào tạo kỹ năng quản lý tài chính cá nhân mà dự án giới thiệu và mong chờ học cùng con mình khi cháu được tham gia dự án này".
Cô Mộng Tuyền - giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Trà Vinh - chia sẻ: "Dù nằm ngay tại thành phố nhưng nhà trường có tới 50% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa phần phụ huynh đi làm ăn xa, ông bà lớn tuổi, điều kiện kinh tế khó khăn. Máy móc và đường truyền hạn chế, học sinh ít có cơ hội tiếp cận với các chương trình, khóa học hữu ích trên môi trường số".
Do đó, theo cô Mộng Tuyền, muốn giáo dục kỹ năng tham gia không gian số hay quản lý tài chính thì việc đầu tiên là cần hỗ trợ thiết bị cũng như đường truyền, đảm bảo việc tiếp cận, truy cập Internet hiệu quả, an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!