Xây dựng xã hội học tập số, công dân số

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 18/06/2021 22:22 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị

VTV.vn - Ngày 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

8 năm qua. hơn 300.000 người được xóa mù chữ

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", sau 8 năm triển khai, Đề án đã được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế của việc triển khai Đề án; trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, giải pháp cho việc xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".

Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.

Trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là "Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục", "Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn"., 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó 34/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300.000 người trong độ tuổi 15-60.

Xây dựng xã hội học tập số, công dân số - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trình bày báo cáo tại hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. 21/63 tỉnh/thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh/thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 03 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở mức cao nhất - mức độ 3.

"Kết quả lớn lao nhất khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã. Đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập ở cấp thành phố trở lên thì chúng ta đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực, huy động được người dân tham gia học tập. Cách làm riêng thú vị này đã được UNESCO và các quốc gia công nhận", Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chia sẻ, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các Bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là Bộ GDĐT.

Xây dựng xã hội học tập số, công dân số

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế. Trong đó, nhận thức về đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đúng mức. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế...

Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, việc có một đề án mới trong giai đoạn tới là vô cùng cần thiết. Bộ GDĐT sẽ chủ trì xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".

Xây dựng xã hội học tập số, công dân số - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị.

Trong đó, đặt mục tiêu là đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng; góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cuộc Cách mạng 4.0.

Các ý kiến trao đổi tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo của Đề án, cần phải thay đổi tư duy, cách làm. Trong đó, cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tạo ra hệ thống học liệu mở phong phú, chất lượng, để người dân có thể giam gia tự học mọi lúc, mọi nơi. Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương, một công việc rất lớn, rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó Bộ GDĐT có vai trò nòng cốt.

Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" sau 8 năm triển khai đã đạt được kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Những kết quả đó cho thấy chủ trương lớn, được ban hành kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã đi vào thực tiễn. Thời gian tới, công việc này cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn; điều chỉnh phương pháp; thay đổi từ nhận thức đến hành động.

Xây dựng xã hội học tập số, công dân số - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

"Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập. Trước khi xây dựng một xã hội học tập thì cần phải xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo Bộ trưởng, công việc của Bộ GDĐT và các bộ ngành, trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội, thực chất là làm 2 công việc quan trọng. Đó là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thoả mãn tất cả nhu cầu học tập đó. Hai việc này nếu được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có một xã hội học tập năng động.

Đề cập đến những công việc trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, cần xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập. Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân. Từng cá nhân phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập. Các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập.

"Nếu không có sự vào cuộc, tham dự, nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp thì xã hội học tập sẽ thiếu đi một động lực vô cùng quan trọng. Hiện nay, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng chúng ta cần ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Nếu chỉ trông chờ vào đào tạo 3-4 năm trong trường đại học, hay thời gian ngắn trong trường nghề và nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề - quan điểm đó cần được điều chỉnh.

Hệ thống trường đại học và các trường nghề hướng đến trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng; nhưng không có những chương trình trang bị tất cả mọi thứ như doanh nghiệp mong muốn. Do đó, doanh nghiệp phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp; cùng các trường đào tạo nhân lực mang tính cá biệt cho nhu cầu riêng của đơn vị, doanh nghiệp. Sức sống của một doanh nghiệp phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đầu tư cho việc học của nhân viên như thế nào", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích.

Để củng cố từng thành tố tham gia phát triển xã hội học tập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ triển khai rà soát, đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: xoá mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường các hoạt động truyền thông và định hướng xã hội đối với việc học tập; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước