Chọn ngành học nào để xét tuyển đại học, ngay cả khi học sinh sắp sửa đặt bút đăng ký, thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) vẫn chu đáo định hướng, tư vấn. Bởi chỉ so với một, hai năm trước đây, danh mục các ngành học đã thay đổi và mở rộng hơn rất nhiều.
"Chuyển đổi số đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề. Nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới ra đời" - thầy Xuân cho biết.
Tại trường Đại học Đại Nam, để đón đầu xu hướng phát triển của các ngành nghề trong kỷ nguyên số, đơn vị này chủ trương mở mới 3 ngành mà xã hội đang có nhu cầu cao là Thương mại điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Truyền thông đa phương tiện.
TS Lương Cao Đông, Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam cho rằng: "Đào tạo cũng phải hướng đến tích hợp, giảng viên không chỉ đơn thuần đơn môn như trước, muốn dạy được kinh doanh phải hiểu cả về truyền thông số, công nghệ số".
Làm thế nào để hướng nghiệp cho thanh niên chọn đúng ngành nghề, giảm thiểu tối đa lựa chọn sai, gây lãng phí nguồn lực xã hội? Vấn đề này đã được các chuyên gia phân tích trong tọa đàm Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho rằng: "Các em THPT khi đứng trước ngưỡng cửa lớn của mình phải hiểu rằng học tập cả đời, nhưng còn lựa chọn ngành nghề như thế nào để lĩnh vực mình đóng góp không bị lạc hậu trong tương lai".
Thực tế chuyển dịch của các trường đại học cũng cho thấy giờ đây việc tư vấn hướng nghiệp nên được thực hiện sớm hơn. Từ 10 tuổi trở đi, phụ huynh và nhà trường phổ thông cần cung cấp thông tin, cơ hội cho các em trải nghiệm ngành nghề, để các em sớm biết được thiên hướng, khả năng của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!