Việt Nam có hai nhà khoa học lọt vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2019 là GS. TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec và TS Nguyễn Thị Hiệp - Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).
GS. TS Nguyễn Thanh Liêm được tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học đời sống, còn TS. Nguyễn Thị Hiệp thì ở lĩnh vực Khoa học vật liệu.
Thông tin về GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trên tạp chí Asian Scientist.
Trong phần tóm tắt thành tích, Tạp chí Asian Scientist nêu GS.TS Liêm: "Là bác sĩ phẫu thuật nội soi nhi khoa hàng đầu, ông Liêm là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi cho trẻ vào năm 1997 và là người đầu tiên tiến hành ghép thận và gan ở trẻ em Việt Nam.
Ngoài sự nghiệp phẫu thuật, ông Liêm còn là Giám đốc của Viện nghiên cứu Vinmec về công nghệ tế bào gốc và gen, nơi ông tiên phong trong các liệu pháp tế bào gốc cho các bệnh như bại não và tự kỷ. Với những đóng góp y tế đáng chú ý trong những năm qua, GS Liêm đã được trao giải thưởng Nikkei châu Á cho những đóng góp trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ".
Được biết, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm còn là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học Y học xuất bản trong và ngoài nước. Ông được mời viết chương U nang ống mật chủ cho sách giáo khoa của Anh và của Mỹ.
Còn TS. Nguyễn Thị Hiệp hiện là trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM). TS. Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Đến nay, TS. Hiệp có gần 65 công bố khoa học thuộc ISI, 3 bằng sáng chế và 1 giải pháp hữu ích cùng nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước.
Thông tin về TS Nguyễn Thị Hiệp, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) được tạp chí Asian Scientist nêu.
Tiến sĩ 8X này từng người đạt giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2016 của L’Oreal UNESCO, giải Nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ vì có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y sinh. Năm 2018, cô tiếp tục được Quỹ L’Oreal và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới.
Mới đây nhất, nghiên cứu "Keo thông minh điều trị lành vết thương" của TS. Nguyễn Thị Hiệp đã đạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019 (lần thứ nhất).
Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online từ năm 2011. Bản in chính thức được xuất bản từ năm 2014. Đây là năm thứ 3 tạp chí này công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong danh sách công bố lần đầu tiên năm 2016, Việt Nam cũng có 2 nhà khoa học nữ được lọt vào danh sách là TS Trần Liên Hà Phương (Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TP.HCM) và TS Đặng Thị Oanh (Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc ĐH Thái Nguyên). Còn năm 2017, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Khoa Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng được lọt top này ở mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học nông nghiệp.
Năm ngoái, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (khoa Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Bách khoa TP.HCM) được tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Hóa học, còn PGS.TS Nguyễn Sum (ĐH Quy Nhơn) thì ở lĩnh vực Toán học.
Tiêu chí lựa chọn các nhà khoa học để đưa vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á của Asian Scientist là các nhà khoa học được chọn phải được trao các giải thưởng về khoa học trong năm được bình chọn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!