Những ngày này, học sinh lớp 12 cả nước đang bước vào tháng cuối ôn tập, chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT. Tốt nghiệp cấp 3, chạm tay đến cánh cổng trường đại học là ước mơ của nhiều người, trong đó có cả những bạn học sinh khuyết tật. Bằng nghị lực và khát khao vươn lên, có những học sinh là người bại não đã vượt lên số phận, trở thành sinh viên đại học và chứng minh rằng: Cánh cổng tri thức, cánh cổng đại học sẽ mở ra với tất cả mọi người, dù cho họ là ai.
Chị Đinh Thị Thu Hảo (quê ở Phú Thọ, mẹ của em Nguyễn Mai Anh) cho biết, lúc Mai Anh được sinh ra, bác sĩ không có chẩn đoán nào về căn bệnh của em. Sau 13 tháng, gia đình mới biết Mai Anh bị mắc chứng bệnh bại não thể co cứng.
Cơ thể bị co cứng, không thể di chuyển bình thường. Đôi chân chỉ muốn dừng lại nhưng ước mơ và khát khao tiến về phía trước không cho phép Mai Anh dừng bước. Năm 2016, Mai Anh đỗ vào trường Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ với số điểm cao.
"Mai Anh mà cũng thi trường chuyên à? Câu đó nó có tính sát thương rất lớn, em nghĩ là em không thể để câu nói đó ảnh hưởng đến số phận của em được. Em thi đại học năm 2009 và tổng số điểm em đạt được là 26.5 điểm 3 môn", em Nguyễn Mai Anh, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết.
Bằng nghị lực phi thường của mình, cánh cổng trường đại học đã mở ra đầy tự hào với cô gái từng được chẩn đoán mắc bại não. Tại Đại học Luật Hà Nội, Mai Anh vẫn đang tiếp tục theo đuổi hành trình trở thành một nữ luật sư với mơ ước mang đến công bằng cho người yếu thế.
"Em mong muốn mình trở thành luật sư đa năng, có kiến thức phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đặc biệt là lĩnh vực luật liên quan đến người khuyết tật để bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác", Mai Anh chia sẻ.
Cũng là một người bại não, sau khi đỗ đại học, chàng trai Phan Thanh Tùng đã xuất sắc trở thành một trong số những sinh viên của lớp tài năng Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Theo TS. Nguyễn Duy Phương. Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: "Đối với người thường vào lớp tài năng học đã khó, đối với sinh viên khuyết tật vào lớp tài năng càng khó hơn nhiều. Sinh hoạt đi lại khó, trong lớp cũng khó có khả năng viết như người bình thường. Nỗ lực của người bình thường 1 thì người khuyết tật phải gấp nhiều lần".
Bước qua 4 năm học đại học đầy nỗ lực, giờ đây, Phan Thanh Tùng đã trở thành 1 lập trình viên. Tùng chia sẻ: "Nhiều người nghĩ rằng, người bại não chỉ cần ăn, ngủ, nghỉ không phải phụ thuộc vào người khác đã là tốt lắm rồi. Nhưng mình nghĩ rằng, người bại não còn có thể làm nhiều điều lớn lao hơn thế nữa".
Bước qua cánh cổng trường đại học là cánh cửa tương lai rộng mở. Hạnh phúc sẽ mỉm cười với những ai có đủ niềm tin, sự kiên trì và không ngừng nuôi hi vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!