Hiệu quả mô hình trường học bán trú ở huyện vùng cao

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 22/11/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, học sinh ở Điện Biên Đông được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp đã được nâng lên rõ rệt.

Điện Biên Đông là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, có địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến. Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú, các em được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp đã được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sa Dung (xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông) nằm trên địa bàn khó khăn, cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Năm học 2018 – 2019, Trường có 507 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Hầu hết các học sinh này ở các bản xa trung tâm xã (như bản Háng Tàu cách trung tâm gần 20 km đường đồi núi), số học sinh bán trú của nhà trường hơn 470 em. Nhà trường có 15 phòng học, 24 phòng ở nội trú, 1 nhà ăn. Hiện nhà trường đang được đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học, 6 phòng nội trú cho học sinh. Ngoài giờ lên lớp, những học sinh ở bán trú tại nhà trường còn được các thầy, cô hướng dẫn tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng sống.

Em Lầu Thị Phương Thảo, học sinh lớp 8A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sa Dung cho biết: Ở đây, chúng em được nhà trường, các thầy, cô chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc học hành. Phòng ở được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đủ chăn ấm cho mùa Đông. Bởi vậy, chúng em rất vui khi được sống và học tập ở đây.

Theo thầy Chu Ngọc Vương, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sa Dung, hơn 10 năm công tác tại trường, sự thay đổi lớn nhất từ mô hình trường học bán trú chính là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, giáo viên đỡ vất vả hơn. Đối với những trường học ở vùng cao, những năm trước đây, khi chưa có mô hình trường học bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đi học không chuyên cần rất phổ biến, nhất là vào mùa mưa. Do đường sá xa xôi, khó khăn, việc đến trường là một trở ngại rất lớn đối với học sinh vùng cao. Đặc biệt, nhiều nữ sinh đã bỏ học giữa chừng, lấy chồng sớm. Các giáo viên vùng cao cứ mỗi đầu năm học mới lại phải lặn lội đến từng thôn bản, từng nhà dân để vận động học sinh đến lớp.

Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, đặc biệt khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp của nhà trường đạt từ 95 – 97%; không còn cảnh giáo viên phải đến nhà vận động học sinh ra lớp như trước. Tỷ lệ học sinh nữ học hết lớp 9 và học lên Trung học Phổ thông cũng được tăng lên rất nhiều.

Thầy Thái Khắc Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sa Dung cho biết, trong những năm qua, các chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu các năm học, nhà trường đã tuyên truyền tới nhân dân về việc các chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú để các bậc phụ huynh quan tâm cho các em đến lớp. Học sinh bán trú đã được chăm sóc tương đối toàn diện từ nơi ăn chốn ngủ, từ đó các em có điều kiện quan tâm việc học của mình hơn, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết: Toàn huyện Điện Biên Đông có 27 trường phổ thông dân tộc bán trú; số học sinh bán trú theo Nghị định 116 là 6.500 em. Huyện đã chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số. Huyện ưu tiên đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đã ban hành đối với học sinh bán trú; tích cực xây dựng, củng cố và tăng số trường phổ thông dân tộc bán trú.

Mô hình trường học bán trú đã thực sự nâng cao chất lượng giáo dục của huyện vùng cao như Điện Biên Đông. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở đạt 95%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình hơn khi sống xa nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước