Trong nhiều tháng, một học sinh lớp 7 bị đánh bởi 8 bạn cùng Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. Tới tháng 9 vừa qua, nhà trường và gia đình mới phát hiện ra, nhưng lúc này, em đã phải đi điều trị tâm thần.
"Bị đánh ngất trong nhà vệ sinh. Các bạn kia dọa là càng nói thì càng đánh. Bây giờ tâm lý con hoảng loạn quá độ", anh Vũ Văn Khang, bố nạn nhân, chia sẻ.
Nhà trường và chính quyền xã đã bị kiểm điểm trách nhiệm khi để xảy ra sự việc cũng như không giải quyết dứt điểm.
"Với học trò của nhà trường, chúng tôi chịu trách nhiệm. Chúng tôi thành thật xin lỗi gia đình em", ông Đỗ Công Dực, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội, cho biết.
Bạo lực học đường vẫn luôn được xem là một vấn nạn trong thời gian qua.
Các học sinh đánh bạn bị đình chỉ học 4 ngày. Những học sinh này cũng được hỗ trợ tư vấn tâm lý, gỡ rối các khúc mắc của tuổi mới lớn.
Những gia đình có con đánh bạn cam kết chịu trách nhiệm và chi phí tới khi nạn nhân khỏi bệnh.
"Khi nhìn clip, bản thân tôi cũng không chấp nhận được. Mong gia đình tha thứ, con dại cái mang, do bố mẹ thiếu trách nhiệm", phụ huynh một học sinh đánh bạn cho hay.
"Con rất hối lỗi khi đánh bạn, con hứa từ này đến hết đời con không bao giờ đánh nhau nữa", một học sinh đánh bạn nói.
Đến hôm nay, em học sinh bị đánh vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. May mắn là sức khỏe của em đã có những chuyển biến tích cực.
Bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng
Bạo lực học đường cũng là một trong nhiều nội dung được đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cần tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh, khi có vấn đề và nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình. Ông cũng thừa nhận bạo lực trong học đường vẫn đang có dấu hiệu gia tăng.
"Tính từ 1/9/2021 - 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, 2016 học sinh liên quan, trong đó 854 học sinh là nữ. Bình quân 50 cơ sở giáo dục có 1 vụ bạo lực học đường. Nguyên nhân đến từ phía ngành Giáo dục, trong trường học, một phần do hiệu trưởng, giáo viên trực tiếp khi phát hiện những tình huống bạo lực học đường vẫn có phần lúng túng về kỹ năng xử lý, phần khác qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu dẫn đến gặp các vấn đề về mặt tâm lý, bên cạnh đó là vấn đề tâm sinh lý của tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, một vấn đề mong được xã hội quan tâm là theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trong 220.000 vụ ly hôn/năm, có 70 - 80% là do bạo lực gia đình. Với tỷ lệ bạo lực gia đình như vậy, học sinh trong các gia đình có thể là người vừa chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi. Với môi trường gia đình như vậy, theo thống kê, số học sinh sống trong hoàn cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường có tỷ lệ rất lớn. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng mạng xã hội, của phim, đặc biệt là phim của nhiều nước được giới trẻ quan tâm", ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết.
Ngăn bạo lực học đường
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, có thể thấy bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân: từ nhà trường, gia đình, mạng xã hội và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giải trí có tính chất bạo lực.
Thực tế, nếu không sâu sát với con em mình, với học trò của mình, khi xảy ra bạo lực học đường, thầy cô, cha mẹ thường là những người biết cuối cùng.
Khi hỏi các học sinh về những vụ bắt nạt hay bạo lực học đường, rất nhiều em thẳng thắn chia sẻ các em đã từng chứng kiến.
Các học sinh cũng chia sẻ, có những bạn bị bạo hành chỉ vì học giỏi hơn các bạn khác, khiến bố mẹ luôn đem ra so sánh; lại có những bạn được thầy cô yêu quý quá mức, dẫn đến thiên vị, khiến học sinh cảm thấy không công bằng. Sự gần gũi với các em hàng ngày, hàng giờ mới có thể giúp các em trải lòng mình. Trong những dịp trò chuyện, các giáo viên bất ngờ phát hiện hiện nay, học sinh đang có những cách bạo hành bạn tinh vi hơn.
Nếu gây ra những vụ bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng, thì từ 14 tuổi trở lên, các em có thể bị phạt tù.
"Trước đây, các học sinh chỉ đánh nhau, up clip lên mạng nhưng hiện nay, các con đe dọa lẫn nhau, ép bạn tự đăng clip bôi xấu bản thân lên mạng xã hội. Điều này đã làm công tác tư vấn tâm lý học đường phải sát sao hơn, phải làm thế nào để các con nhận thấy phòng tư vấn tâm lý là một địa chỉ thân thiện, gần gũi để các con có thể chia sẻ. Nếu làm tốt được công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp ngăn chặn kịp thời cũng như định hướng đúng đắn cho các con trước những hành vi sai trái", bà Nguyễn Lan Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho hay.
Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ của nhà trường. Những người cha người mẹ phải chủ động gắn kết để biết được chuyện gì đang xảy ra với con mình. Bạo lực học đường không chỉ khiến các em tổn thương về tinh thần, thể xác. Nó còn là một nguyên nhân đẩy các em đến những hành động làm hại bản thân.
Hiện nay, những học sinh gây ra bạo lực học đường sẽ bị kỷ luật về hạnh kiểm, buộc nghỉ học một thời gian và bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, nếu gây ra những vụ bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng, thì từ 14 tuổi trở lên, các em có thể bị phạt tù.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!