Nhiều người ngoại quốc trở thành giáo viên tiếng Anh ở châu Á nhờ ngoại hình Âu Mỹ - Ảnh: abc.net.au
Giáo viên tiếng Anh "rởm" tràn vào Châu Á
Tại Châu Á, vai trò của việc học tiếng Anh càng ngày càng được nâng cao trong vài thập kỷ gần đây. Tổ chức Education First (EF) cho biết châu Á có dân số nói tiếng Anh (không phải người bản ngữ) cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau châu Âu. Báo cáo năm 2017 của EF - dựa trên dữ liệu từ hơn một triệu người tham gia - cũng nhận thấy trình độ thành thạo tiếng Anh của người lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới xếp hạng quốc gia trong Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên Hợp Quốc.
Phát triển kinh tế tạo ra những nguồn lực và động lực mới để thúc đẩy việc học tiếng Anh. Nhiều ông bố bà mẹ châu Á xem việc học tiếng Anh như yếu tố then chốt để có sự nghiệp thành công. Ở Trung Quốc, phụ huynh muốn con cái họ thông thạo tiếng Anh và có thể phát âm giống hệt người nước ngoài. Đó là lý do khiến làn sóng giáo viên tiếng Anh tràn vào quốc gia này, cũng như nhiều đất nước châu Á khác. Vấn đề là, nhiều người trong số đó không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy.
Thậm chí có một câu hỏi khá phổ biến trên Google: "Tôi không có bằng cấp, tôi có thể dạy tiếng Anh ở Châu Á được không?"
Hãng ABC dẫn lời các chuyên gia giáo dục tại Australia từng lên tiếng bày tỏ lo ngại về thực trạng này. Thực tế, nhiều giáo viên tiếng Anh người nước ngoài không đủ chất lượng đang được thuê giảng dạy ở nhiều nước Châu Á, chỉ vì diện mạo bên ngoài của họ. Điểm đến của các giáo viên không đủ tiêu chuẩn này là Trung Quốc, Indonesia, Campuchia, Lào... và cả Việt Nam.
Giám đốc TESOL Australia Lynette Kim chia sẻ với ABC rằng, tình trạng người nước ngoài trở thành giáo viên khi chưa được đào tạo chính quy có thể có tác động tiêu cực lâu dài tới học viên. Cụ thể, theo chuyên gia này, hệ lụy là ảnh hưởng đến cách phát âm, âm sắc,ngữ điệu, khả năng hình thành câu và thậm chí cả sự hứng thú của học sinh trong việc tiếp tục học tiếng Anh.
Tân Hoa Xã cũng cho biết, một khảo sát năm 2017 tại Trung Quốc cho thấy 2/3 trong số 400.000 giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại quốc gia này không đạt tiêu chuẩn. Thậm chí, một số người còn làm việc bằng cách sử dụng visa trái phép.
Tại Indonesia, giáo viên tiếng Anh phải có bằng thạc sĩ và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trong một trường quốc tế. Tuy nhiên, những giáo viên đáp ứng các yêu cầu này không nhiều, trong khi nhu cầu học tiếng Anh lại tăng cao. Một số trường tìm cách đối phó với quy định. Yusuf Muhyidin, Giám đốc giảng dạy thuộc Bộ Giáo dục Indonesia cho biết, các giáo viên không đủ trình độ thường tìm cách lách luật để dạy chui.
"Thầy cô Tây ba lô" nhan nhản ở Việt Nam
Giống như các quốc gia láng giềng, những năm gần đây tại Việt Nam, các trung tâm Anh ngữ bùng nổ như nấm sau mưa "đón lõng" nhu cầu của học viên và phụ huynh. Tuy nhiên, quá nhiều trung tâm, chi nhánh, quá nhiều thông tin cộng với sự bùng nổ của Internet và thiết bị thông minh kéo theo rất nhiều hình thức học ngoại ngữ mới. Cùng với đó kéo theo rất nhiều vấn đề trong dạy và học cũng như quản lý các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực béo bở này. Nếu không tìm hiểu kỹ, người học khó lòng mà tìm được lớp học ưng ý trong rừng trung tâm, khóa học ngoại ngữ đang nở rộ kia. Đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, chuyện dở khóc dở cười về các trung tâm, lớp học bị "bóc phốt".
Tại Việt Nam, Bộ GD và ĐT đã ban hành quy chế về tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học tại có Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 10-10-2018). Theo đó, giáo viên là người nước ngoài phải đạt một trong các tiêu chuẩn: "có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp".
Tuy nhiên, theo báo Nhân dân điện tử, tại khá nhiều trung tâm thì việc quản lý, thẩm định đánh giá khả năng sư phạm, kỹ năng giảng dạy của giáo viên nước ngoài như kiểm soát trình độ, bằng cấp của các giáo viên này như thế nào, có đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) hay không... đang gặp không ít khó khăn, và gần như bị thả nổi.
Một thống kê của Vietnam Teaching Jobs cho thấy, khoảng 70% giáo viên nước ngoài ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ bằng cấp hoặc kinh nghiệm giảng dạy. Vì muốn có giáo viên nước ngoài để thu hút học viên, nhiều trung tâm đã bỏ qua các yêu cầu cần thiết như: kiểm tra đầu vào, sát hạch khả năng sư phạm... Thậm chí, nhiều nơi còn thuê khách du lịch "bụi" hoặc Tây ba lô đến giảng dạy, không yêu cầu điều kiện, bằng cấp phù hợp.
Với cách tuyển dụng này, chất lượng đào tạo khó bảo đảm, việc tiếp thu kiến thức của các học viên cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Tình trạng "giáo viên dạy chui" thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp tới "hàng xịn". Những giáo viên nước ngoài có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ... cảm thấy bối rối khi bị xếp ngang hàng với những "thầy cô Tây ba lô". Họ bị sốc khi nhận được yêu cầu đơn giản: Cho học viên chơi thật nhiều và khen học viên thường xuyên. Thậm chí các trung tâm thường xuyên đổi lịch, ghép lớp, nhảy lớp... khiến những thầy cô giáo xịn không biết phải dạy học viên kiểu gì.
Chuyên gia giáo dục Geoff Sokol cho biết, ở Việt Nam, nhiều trung tâm tốt đang khổ sở vì thiếu giáo viên giỏi, và nhiều giáo viên giỏi đang đỏ mắt tìm trung tâm tốt. Anh hy vọng trong tương lai, các nhà quản lý có cách nào đó để hai bên dễ dàng "tìm thấy nhau".
Bên cạnh đó, Geoff cũng khuyên các bạn trẻ nước ngoài hãy từ bỏ ý định "dạy chui" và hoàn thiện hồ sơ, giấy phép giảng dạy tại Việt Nam. Những video hướng dẫn cách làm thủ tục, hồ sơ, tìm việc làm... trên kênh Youtube mang tên Mackington của anh đã thu hút hàng triệu lượt xem.