Từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Tại nhiều địa phương đến thời điểm này, dù học sinh đã quay trở lại trường, nhưng hình thức dạy học trực tuyến vẫn đang đang được duy trì để hỗ trợ hiệu quả công tác dạy và học trên lớp.
Cũng không để lãng phí những kỹ năng vừa mới thành thục của một phương thức dạy học hiện đại, nên ngay sau khi học sinh quay lại trực tiếp, trường THCS Đông La Hoài Đức đã mạnh dạn quyết định duy trì song song hình thức dạy học trực tuyến kết hợp dạy trực tiếp trên lớp. Các tiện ích từ phần mềm học tập cũng được tích cực vận dụng trong công tác quản trị nhà trường.
Khái niệm về trường học số vốn xa lạ với thầy và trò các vùng nông thôn thì qua 2 mùa dịch lại trở nên gần gũi. Đó không chỉ là sự xuất hiện của của các giáo cụ mới như hệ thống mạng hay các ứng dụng dạy học mà còn ở khả năng thích ứng, làm chủ phương thức dạy và học mới. Một không khí dạy học trực tuyến nghiêm túc, sôi nổi vẫn được duy trì vào mỗi buổi chiều để bổ túc kiến thức cho học sinh theo kịp chương trình.
Nhiều hình thức khác của phương thức học trực tuyến như giao bài tập hay số hoá các giáo án để học sinh tham khảo cũng được thầy trò trường THPT Nghĩa Dũng ứng dụng vào dạy học trực tiếp. Học sinh vì thế dù trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ phòng dịch nhưng đã nhanh chóng bắt nhịp với chương trình.
Thừa nhận dạy học trực tuyến khó đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng theo nhiều chuyên gia việc duy trì song song 2 phương thức dạy trực tuyến và trực tiếp trong điều kiện bình thường nên được nghiên cứu xem xét. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mà chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu đột phá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!