Đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu này ở Anh đang đứng trước một tương lai khá ảm đạm do các trường đại học đang bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Tệ hơn nữa, nhóm giảng viên và chuyên gia nghiên cứu này còn không thể tiếp cận được gói cứu trợ coronavirus do chính phủ đưa ra.
Liên hiệp các trường đại học và cao đẳng Anh (UCU) mới đây đã kêu gọi các tổ chức giáo dục nước này kéo dài thời hạn hợp đồng cho các đối tượng làm việc theo hợp đồng ngắn hạn trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Theo UCU, khoảng 70% trong số 49.000 chuyên gia nghiên cứu và 37.000 giảng viên của Anh hiện làm việc theo hợp đồng có thời hạn.
Giáo sư danh dự ngành quảnh lý nhân lực và quan hệ công nghiệp của Đại học Wolverhampton Roger Seifert cho biết đối với những trường hợp bị chấm dứt hợp đồng trước khi xảy ra đại dịch, người lao động sẽ không được tiếp cận quỹ chính phủ hỗ trợ người mất việc do COVID-19. Thay vào đó, tình trạng bấp bênh này sẽ buộc họ phải tìm cách xin trợ cấp thất nghiệp. Trước tình hình đó, một số trường đại học đã viết thỉnh nguyện thư gửi các cơ quan phân phối ngân sách.
Thỉnh nguyện thư về chi tiêu cho các đối tượng lao động theo hợp đồng ngắn hạn của Đại học Sussex đề nghị ngừng tuyển thêm giảng viên dài hạn cho tới khi có thông báo mới nhằm giảm chi tiêu không thiết yếu.
Phát ngôn viên của trường đại học này cho biết: "Chúng tôi cũng đề nghị tất cả các cơ quan điều phối ngân sách xem xét lại toàn bộ cơ cấu lao động theo hợp đồng ngắn hạn. Chúng tôi muốn lực lượng lao động theo hợp đồng có thời hạn phải được coi trọng cho tới khi hết hợp đồng và sau đó phải được đánh giá kết quả làm việc để được tiếp tục ký hợp đồng".
Theo Tổng thư ký UCU Jo Grady, việc có quá nhiều giảng viên đang làm việc theo diện hợp đồng ngắn hạn bị chấm dứt hợp đồng do COVID-19 đã gây ra một "nỗi lo lắng trong khu vực giáo dục đại học. Chúng tôi đang nhận được báo cáo từ các cơ sở giáo dục cho biết họ đã chấm dứt hợp đồng ngắn hạn từ tháng 4 và không đảm bảo sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ chính phủ".
Giảng viên cao cấp chuyên ngành kinh tế chính trị Feyzi Ismail tại Trường SOAS (Phương Đông và châu Phi học) thuộc Đại học London đang giảng dạy theo hợp đồng ngắn hạn sẽ kết thúc vào tháng 8 này cho biết: "Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến tôi và nhiều người khác cảm thấy bất an hơn...".
Còn theo Tổng thư ký UCU Jo Grady, virus SARS-CoV-2 đã làm bộc lộ rất nhiều yếu kém trong mô hình tuyển dụng nhân lực đại học của nước Anh, vốn thiên về sự linh hoạt và ngắn hạn, hạn chế quyền tuyển dụng lao động và khả năng xây dựng một công việc an toàn cho lao động. "Chúng tôi muốn được bảo đảm rằng tất cả lao động hợp đồng ngắn hạn sẽ được gia hạn hợp đồng và tiếp tục được trả lương".
Rõ ràng khi các trường đại học gặp vướng mắc về tài chính do số lượng sinh viên sụt giảm bởi dịch COVID-19, lao động theo diện hợp đồng ngắn hạn tại các trường đại học, đặc biệt là các chuyên gia nghiên cứu, sẽ phải đối mặt với một "tương lai u ám".
Theo Universities UK (tổ chức đại diện cho các trường đại học tại Anh), lao động học thuật và phi học thuật tại các trường đại học đều có những nỗi lo và chịu áp lực trong tình hình hiện nay. Vì vậy, Universities UK sẽ tiến hành bất cứ biện pháp nào có thể và thực hiện một cách linh hoạt để hỗ trợ họ...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!