Đó là những chia sẻ của diễn giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip), đang học thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, đồng thời là người dạy khởi tạo Khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ) trong sự kiện Ngày thứ tư Công nghệ (Cốc Cốc’s Hitech Wednesday) đã diễn ra vào ngày 20/12 tại Hà Nội. Đây là một chương trình đặc biệt được thiết kế dành cho các bạn trẻ đam mê Khoa học máy tính.
Nữ diễn giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chíp) chia sẻ về tầm quan trọng của ngành Khoa học máy tính.
Ở Việt Nam, tin học ít được quan tâm vì không phải môn thi đại học
Huyền cho hay: "Khoa học máy tính (CS) tại Hoa Kỳ được coi là một trong những môn học quan trọng hàng đầu. Tại ĐH Stanford có đến trên 90% sinh viên ở tất cả các ngành khác nhau đều theo học một môn CS nào đó". Không chỉ sinh viên mới nhận thức được điều này mà ngay cả các bậc phụ huynh tại Hoa Kỳ cũng cho rằng CS ít nhất cũng phải là một môn học cần có như toán, khoa học, lịch sử.
Trong khi đó ở Việt Nam, học sinh và các bậc phụ huynh dường ít quan tâm đến tin học vì nó không nằm trong chương trình tuyển sinh đại học. Khảo sát nhanh của Cốc Cốc cho thấy có 34,37% sinh viên cho rằng CS không quan trọng.
"Đây là một quan niệm cần được thay đổi vì thực tế ngày nay bất cứ chuyên ngành nào từ vật lý đến văn chương đều cần đến những kiến thức về khoa học máy tính", Huyền nhấn mạnh.
Huyền Chip chỉ ra thực trạng học sinh - sinh viên Việt Nam coi nhẹ môn Tin học.
Khoa học máy tính là một môn học nhàm chán?
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự "tảng lờ" môn tin học ở Việt Nam là do cách giảng dạy và truyền đạt môn học này trong nhà trường chưa thực sự hấp dẫn.
Nữ sinh Việt tại ĐH Stanford chia sẻ: "Nhiều người cho rằng CS rất là nhàm chán vì họ nghĩ rằng nó không liên quan gì đến những bộ môn khác. Thực sự đây là một sai lầm rất lớn bởi cho dù mối quan tâm của bạn là gì thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng khoa học máy tính để giúp bạn thực hiện đam mê đó.
Ví dụ như mình biết có một người nông dân của Nhật Bản, mặc dù chỉ là một người làm vườn thôi nhưng mà họ có thể dùng CS để mà dự đoán làm sao nuôi trồng dưa chuột hiệu quả nhất ".
Để giúp các bạn trẻ thay đổi phần nào nhận thức về vấn đề này, cô đã đưa ra lời khuyên: "Hãy coi tin học như một công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu học tập và giúp bạn thực hiện những đam mê mà bạn muốn chứ không nên nhìn nhận đó như một chuyên ngành hẹp chỉ dành cho nam giới, những người giỏi toán, hay những người chỉ ngồi máy tính mà không thích ra ngoài".
Nữ tác giả với hai cuốn sách từng "gây bão" đã cho biết thêm, việc dạy tin học ở Stanford vô cùng thực tế và luôn cực kỳ cập nhật. Sinh viên thường xuyên được cập nhật những công nghệ mới được công bố tháng trước, thậm chí tuần trước. Nhà trường còn cho phép sinh viên tự do trong việc học, không chỉ lựa chọn môn học ưa thích mà còn có thể khởi tạo môn gì được dạy.
Đã đến lúc không thể "tảng lờ" môn tin học được nữa
Theo Huyền Chip, những bước tiến trong ngành công nghệ thông tin đã và đang tác động to lớn đến tất cả các khía cạnh cho cuộc sống. Sự phát triển về công nghệ làm tăng khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển.
Cô đã chỉ ra một thực tế rằng: "Tại Silicon Valley, rất nhiều loại xe tự lái đang được thử nghiệm. Bạn có thể thấy chúng trên đường hàng ngày. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi việc các lái xe truyền thống sẽ bị thay thế bởi xe không người lái. Tương tự nghề phiên dịch sẽ khó tồn tại khi mà các máy dịch tự động ngày càng trở nên thông minh hơn.
Nếu không nắm bắt được xu hướng, rất có thể chúng ta sẽ tụt hậu rất sâu về phía sau hoặc đưa ra những lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp. Và đã đến lúc Việt nam không thể "tảng lờ" môn tin học được nữa".
Nữ du học sinh ĐH Stanford giao lưu cùng các bạn trẻ tại sự kiện Cốc Cốc’s Hitech Wednesday.
Từ những thực tế trên Huyền Chip cho hay cô có ý định mở một khóa học online tương tự như chương trình mà cô đang tham gia trợ giảng tại ĐH Stanford về tư duy lập trình. Khóa học dự kiến sẽ được bắt đầu vào tháng 6/ 2018 và hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người để giúp họ hiểu được rằng "nếu có đam mê và sự quyết tâm thì bất cứ ai cũng có thể học tập, sử dụng những công cụ mà ngành khoa học máy tính mang lại" – nữ diễn giả nhấn mạnh.
Bằng những kinh nghiệp thực tế trong quá trình học tập, giảng dạy cũng như quá trình làm việc tại thung lũng Silicon, cô khẳng định bất cứ ai cũng nên tìm hiểu về Khoa học máy tính bởi những hiểu biết về nó sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho dù chuyên ngành chính của bạn là gì.