Khắc phục thiếu giáo viên, trường chủ động tìm nguồn tuyển dụng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/08/2024 08:00 GMT+7

VTV.vn - Nhiều trường học đang chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp trong thu hút và tuyển dụng giáo viên, nỗ lực đảm bảo không để thiếu giáo viên trước năm học mới.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông ở hầu hết các địa phương. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp, tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.... Việc này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho triển khai chương trình và kế hoạch dạy học của các nhà trường.

Chủ động khắc phục thiếu giáo viên

Nhiều trường học đang chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp trong thu hút và tuyển dụng giáo viên, nỗ lực đảm bảo không để thiếu giáo viên trước năm học mới.

Ngay từ học kỳ 2 năm học trước, việc thiếu hụt giáo viên tiếng Anh là được dự báo nên trường THCS Thái Thịnh đã chủ động tìm kiếm các nguồn tuyển và có chính sách thu hút nhân sự

Để thu hút nguồn tuyển, nhất là ở các bộ môn khó tuyển, năm học này, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện phân quyền tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị trường học và mở rộng trường được phân quyền.

Công tác tuyển dụng giáo viên hiện vẫn đang do Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Với cấp THCS và Tiểu học do UBND quận, huyện tổ chức.

Tuy nhiên, nhiều trường học đã chủ động tham gia bằng cách tìm kiếm nguồn tuyển. Một số trường còn linh hoạt trong việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để ký hợp đồng thời vụ với giáo viên.

Sự chủ động tích cực của các hiệu trưởng và chính sách phân quyền, tăng tự chủ cho các trường học đã góp phần bù đắp sự thiếu hụt giáo viên trong ngắn hạn.

Như tại TP Hồ Chí Minh, so với năm ngoái số lượng hồ sơ ứng tuyển năm nay tăng hơn 500 hồ sơ, tín hiệu tích cực nhờ chính sách thu hút nguồn tuyển của ngành giáo dục thành phố

Nhiều giải pháp khắc phục thiếu giáo viên

Các nhà trường và địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực với nhau, giải quyết trước mắt việc thiếu giáo viên cục bộ một số môn học.

Năm học vừa qua, Hà Nội cử gần 300 giáo viên tham gia dạy tiếng Anh trực tuyến cho 4 huyện của tỉnh Yên Bái. Đã có gần 4.500 tiết học trực tuyến được thực hiện. Cùng với sự trợ giúp hiệu quả, còn có nhiều phần mềm dạy học có nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, giáo án, bài giảng điện tử, sách điện tử, hệ thống kiểm tra, đánh giá sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, 2 năm trở lại đây, ngành giáo dục triển khai mô hình lớp học số - tiết học ảo. Học sinh ở nhiều nơi có thể cùng tham gia 1 tiết học trong cùng 1 thời điểm nên các trường tiết kiệm được nguồn tuyển. 2 địa phương đang thực hiện là huyện Củ Chi và Cần Giờ. Mô hình được áp dụng với các môn Tin học, Âm nhạc, tiếng Anh…

Không chỉ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay trên địa bàn thành phố, mô hình này tham gia hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai và huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Đẩy mạnh đào tạo giáo viên các môn học mới

Những giải pháp đang được triển khai có thể nói đều trong ngắn hạn. Còn về căn cơ lâu dài, vẫn sẽ cần đào tạo giáo viên chính quy cho các môn học mới. Đào tạo đủ số lượng giáo viên mà các địa phương đặt hàng. Đây là yêu cầu đặt ra cho các trường đại học sư phạm trên cả nước.

Trường ĐH Giáo dục là cơ sở đầu tiên trên cả nước mở ngành đào tạo giáo viên các môn tích hợp

Khóa đầu tiên của sư phạm KHTN đã ra trường năm ngoái với hơn 60 sinh viên. Năm nay tiếp tục 80 sinh viên sư phạm lịch sử - địa lý ra trường. Đây là nguồn tuyển mà các trường phổ thông đang rất mong chờ

Tuy nhiên đào tạo mới đang không theo kịp với số lượng cần có. Cả nước vẫn thiếu hơn 11 nghìn giáo viên các cấp học. Vì vậy, việc bồi dưỡng cho các giáo viên hiện nay để đáp ứng dạy các môn học mới là yêu cầu cấp bách. Ngay sau khi chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai thì Trường ĐHSPHN cũng biên soạn và thực hiện kịp thời chương trình bồi dưỡng giáo viên. Còn năm nay, trường bắt đầu triển khai giải pháp căn cơ, với tầm nhìn dài hạn

Vừa thực hiện, vừa điều chỉnh chương trình đào tạo giáo viên để hội nhập với khoa học công nghệ và thực tiễn triển khai đổi mới giáo dục của nước nhà. Các trường đại học sư phạm trên cả nước cho biết sẽ tiếp tục bổ sung các học phần để trang bị cho giáo sinh các kỹ năng, kiến thức liên ngành... hướng tới không chỉ đáp ứng đủ số lượng mà cả chất lượng cho đội ngũ giáo viên trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước