Tính đến nay, học sinh trên toàn quốc đã phải nghỉ học gần 3 tháng để phòng chống dịch COVID-19. Với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", ngành giáo dục đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau để duy trì hoạt động dạy và học cho học sinh như tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.
Tuy nhiên, nếu 2 hình thức này được triển khai khá thuận lợi ở những vùng có điều kiện tốt thì ở vùng cao, vùng sâu vùng xa, giáo viên và học sinh đang gặp nhiều khó khăn để duy trì việc dạy và học.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, giáo dục Việt Nam đứng trước thách thức lớn như vậy để duy trì việc dạy và học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để cung cấp đường truyền Internet, phần mềm miễn phí cho dạy học trực tuyến, tinh giản chương trình để giảm tải. Tuy nhiên, sự khác biệt về điều kiện giữa các vùng miền, chất lượng đường truyền, chất lượng phần mềm và khả năng thích ứng của đội ngũ giáo viên vẫn khiến cho hiệu quả dạy học giữa các vùng miền ngày càng có khoảng cách.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện trung bình có khoảng 80% số học sinh THPT được học thông qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các bậc học dưới thấp hơn nhiều. Chẳng hạn như tại Điện Biên, có 73% học sinh THPT được học thông qua hình thức trực tuyến. Con số này ở bậc THCS là 50% và Tiểu học chỉ trên 10%. Tại Yên Bái, bậc THCS là 39% và tiểu học 17,7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!