Sáng nay, các thí sinh đã hoàn thành xong bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Năm nay, Ngữ văn là môn thi duy nhất làm bài theo hình thức tự luận và được đánh là có sự phân loại tốt, lượng kiến thức phù hợp đối với xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển ĐH - CĐ.
Đề thi môn Ngữ văn - kỳ thi THPT Quốc gia 2017
Thầy Vũ Thanh Hòa - giảng viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận xét đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương đối cơ bản, kiến thức đưa ra không quá khó và cũng không quá hàn lâm, điều đặc biệt của đề thi năm nay chính là sự liên kết giữa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.
Thầy Hòa cho biết: "Đề năm nay rất phù hợp và gần gũi với các em học sinh. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội nói về vấn đề lòng trắc ẩn, rất thiết thực trong cuộc sống và khơi gợi điều tốt đẹp. Những câu hỏi như "thấu cảm là gì" hay nhận xét về hành động của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé người Bồ Đào Nha đều rất dễ dàng và thân thuộc, yêu cầu các em phải thể hiện được quan điểm của mình, suy nghĩ của bản thân về những điều tốt đẹp trong cuộc sống". Sự liên kết giữa hai phần đọc hiểu và nghị luận xã hội cũng tạo một cảm giác liền mạch, khiến các em cũng dễ dàng vận dụng và tiếp nối cảm xúc, không tạo cảm giác đề dài dòng mà rất chặt chẽ.
Nhận xét về phần nghị luận văn học chiếm 5 điểm, thầy Hòa cho hay đây chính là câu phân loại học sinh rõ ràng nhất. Đề trích đoạn 20 câu thơ trong bài Đất nước, trường ca Mặt đường khát vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
Thầy Hòa cho hay: "Riêng câu nghị luận văn học đã có rất nhiều yêu cầu, trong đó có 2 yêu cầu mà học sinh phải nắm được chắc chắn: Thứ nhất, các em phải hiểu được tư tưởng, quan niệm của tác giả, đó là tư tưởng đất nước của nhân dân. Nếu học sinh không học thì chắc chắn sẽ không hiểu, bởi lẽ đề yêu cầu nhận xét quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm thì các phải nêu được quan niệm đó là gì trước tiên.
Thứ hai, các em bắt buộc phải phân tích được đoạn thơ như ý nghĩa, thủ pháp nghệ thuật, hình tượng trong bài... Đây chính là phần cảm nhận. Ngoài ra, đề yêu cầu thí sinh phải đánh giá được tư tưởng của tác giả. Nếu các em cảm nhận tốt, đưa ra được đánh giá thì đó chính là sự phát triển cao hơn của các em khi làm bài".
Nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn năm nay được đánh giá là có tính phân loại cao, so sánh với đề thi năm 2016 thì không có sự chênh lệch độ khó là mấy. Tuy nhiên, thời gian làm bài chỉ trong 120 phút, ngắn hơn so với năm ngoái nên nhiều thí sinh không kịp triển khai, vận dụng được hết ý. Thầy Hòa cũng nhận xét rằng đề năm nay tuy phù hợp cho các em thi xét tốt nghiệp nhưng vẫn hơi dài và có nhiều yêu cầu cùng kỹ năng, chỉ có những em học khá giỏi, nhuần nhuyễn được các phương pháp, các thức thì mới hoàn thiện bài một cách tốt nhất trong thời gian 120 phút. Tuy nhiên, đề năm nay cũng có một số điểm dễ như đã trích dẫn sẵn khổ thơ và văn bản, các thí sinh chỉ cần nhìn và làm, không cần phải học thuộc.
"Với lượng kiến thức và mức độ khó như vậy, tôi cho rằng những em học sinh trung bình vẫn có thể lấy được điểm 7, còn những em có học lực tốt thì điểm 8, điểm 9 cũng không quá khó" - thầy Hòa cho biết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!