Làm sao để vấn nạn lạm thu học phí không "đến hẹn lại lên"?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 13/10/2023 07:00 GMT+7

VTV.vn - Mới chỉ bắt đầu năm học mới khoảng 1 tháng, nhiều vụ việc lạm thu trong trường học đã gây xôn xao dư luận.

Dù Bộ GD&ĐT, rồi Sở GD&ĐT các địa phương có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, một số trường học, ban phụ huynh vẫn cố tình thu đủ loại tiền, từ tiền ghế ngồi, tiền trực nhật, tiền vệ sinh trường, lớp, tiền phô tô, học thêm… lên tới hàng triệu đồng.

Đầu năm học mới, các phụ huynh lại tất bật lo toan bởi hàng chục khoản chi tiêu cho việc học của con. Từ học phí, sách vở, áo quần, đóng góp các loại quỹ…, nhiều khi ngốn hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng của một gia đình. Trong đó, nhiều khoản phí mang danh nghĩa "tự nguyện"nhưng lại thu sai quy định, trở thành nỗi bức xúc âm ỉ của nhiều phụ huynh. Từ đầu năm học mới đến nay, đã có nhiều vụ việc lạm thu bị phát hiện. Một số hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm bị nhắc nhở và phải hoàn trả lại các khoản thu sai.

Vấn nạn lạm thu đầu năm học

Nổi bật nhất là sự việc Ban Đại diện lớp 1/2 của Trường Tiểu học Hồng Hà, Thành phố Hồ Chí Minh thu quỹ lớp 310 triệu đồng (bình quân 10 triệu đồng/ học sinh). Trong đó, ngay tháng đầu tiên đã chi hơn 250 triệu đồng, gây bức xúc dư luận.

Ngay sau đó, một trường học khác ở Hà Nội cũng gây chú ý dư luận khi hình ảnh danh sách các khoản dự chi kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Tứ Hiệp, Thanh Trì được lan truyền. Đáng chú ý danh sách có hàng chục khoản thu lạ, với dự kiến thu chi vượt quá 500 triệu đồng.

Làm sao để vấn nạn lạm thu học phí không đến hẹn lại lên? - Ảnh 1.

Lạm thu không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn. Đầu tháng 9/2023, mạng xã hội xôn xao hình ảnh thống kê các khoản phụ huynh học sinh Trường THPT Thanh Miện III , Hải Dương phải đóng đầu năm học lên tới 8,7 triệu đồng.

Những vụ việc được phản ánh như vết dầu loang. Làn sóng phụ huynh "tố" lạm thu đầu năm đến nay vẫn chưa dừng lại.

CÁC KHOẢN KHÔNG ĐƯỢC THU

- Bảo vệ cơ sở vật chất

- Vệ sinh

- Khen thưởng giáo viên

- Mua sắm máy móc thiết bị

- Hỗ trợ quản lý

- Xây dựng công trình

Bên cạnh các Thông tư của Bộ GD&ĐT, rất nhiều địa phương đã ban hành các quy định đầu năm học này để ngăn chặn nạn lạm thu. Chẳng hạn Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản liệt kê 26 khoản được phép thu, hay Hà Nội quy định rõ 7 khoản ban phụ huynh không được phép thu… Quy định không thiếu, nhưng việc thực hiện thế nào phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự giác của các trường và ban phụ huynh.

Giống như ở Việt Nam, nhiều trường học trên thế giới thành lập hội phụ huynh - giáo viên với sự tham gia của tất cả các phụ huynh hoặc người giám hộ và phía nhà trường. Thông thường, sẽ có một ủy ban điều hành gồm đại diện từ cả hai phía. Họ cũng có quỹ của Hội.

Kinh nghiệm hoạt động quỹ phụ huynh ở các nước

Cũng như bất kỳ hội nào, hội phụ huynh cũng cần có kinh phí để hoạt động.

Làm sao để vấn nạn lạm thu học phí không đến hẹn lại lên? - Ảnh 3.

Tại Mỹ, hội hoạt động bằng cách kêu gọi mọi người tham gia đóng phí hoặc gây quỹ. Điều đáng nói là số tiền đóng phí rất thấp so với thu nhập trung bình của người dân. Chẳng hạn như với học sinh tiểu học, tiền đóng quỹ khoảng 10 USD/ người/năm, khoản tiền này tương đương với 2 phần ăn tại cửa hàng ăn nhanh. Vì tiền thu phí rất thấp nên các hội phụ huynh thường rất sáng tạo trong việc gây quỹ bằng nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như tổ chức ngày hội để bán đồ ăn hoặc đồ uống đã chuẩn bị sẵn. Tiền quỹ phụ huynh sẽ được chi cho các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, mua sắm thêm đồ dùng học tập hay để tổ chức tri ân giáo viên. Mặc dù khoản tiền đóng góp rất nhỏ song các phụ huynh luôn quan tâm các khoản chi có thật sự minh bạch hay không.

Trong khi đó, tại Pháp, việc đóng góp vào quỹ phụ huynh thường dựa trên tinh thần tự nguyện. Hằng năm, vào đầu năm học, bố mẹ thường bỏ tiền vào phong bì, dán kín, viết tên con ở ngoài rồi đề gửi tới hội phụ huynh. Ngoài ra, trong năm học, hội phụ huynh thường tổ chức gây quỹ vào các ngày hội như Halloween, Ngày của mẹ, Valentine. Tiền quỹ phụ huynh sẽ được dùng để hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa cho học sinh như cho các em đi vườn thú, bảo tàng, rạp chiếu phim.

Trong điều kiện nhà trường, nhà giáo ở nhiều nơi chưa hết khó khăn, việc vận động cha mẹ học sinh chung tay góp sức, góp công cùng chăm lo việc học tập cho trẻ em cũng không ngoài mục đích vun đắp cho sự nghiệp "trồng người" ngày càng đơm hoa kết trái. Việt Nam là một quốc gia hiếu học, các gia đình, phụ huynh chưa bao giờ thiếu quyết tâm đầu tư cho giáo dục, vấn đề là cần phải có cơ chế để những nguồn lực ấy tới đúng chỗ. Và cho dù lòng nhiệt tình có cao như thế nào, quyên góp quỹ phụ huynh cũng không được vi phạm nguyên tắc cao nhất, đó là nguyên tắc tự nguyện, đồng thời phải minh bạch và không vi phạm quy định. Hơn ai hết, chính mỗi phụ huynh cũng phải ý thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình, góp phần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh.

Làm sao để vấn nạn lạm thu học phí không đến hẹn lại lên? - Ảnh 4.

PGS.TS.Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước