Trường mầm non bản phố - huyện Bắc Hà có gần 400 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào các dân tộc như Mông, Dao… Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2/3 số trẻ được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa của nhà nước là 160.000đ/cháu/tháng, bởi 133 cháu còn lại thuộc các xã khu vực III đã hoàn thành nông thôn mới.
Nếu theo đúng quy định, những trẻ không được hưởng trợ cấp sẽ phải tự mang cơm đi ăn, hoặc bố mẹ phải đóng góp tiền ăn cho nhà trường. Thế nhưng, nếu phải đóng góp, hầu hết phụ huynh sẽ cho con nghỉ học vì điều kiện hoàn cảnh nhiều gia đình còn rất khó khăn. Để các cháu đều được đến trường, UBND tỉnh Lào Cai đã ra nghị quyết sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ tiền ăn cho các cháu giống như chế độ của Chính phủ.
Cô giáo Cao Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai cho biết: "Các cháu đến trường rất vui, ăn uống đảm bảo. Ở nhà bố mẹ chỉ nấu cho cháu ăn sáng, ăn chiều thôi, buổi trưa ăn cơm nguội, trẻ tự ăn thôi. Đến lớp, đến trường được ăn cơm nóng canh nóng, mặc đủ ấm, bản thân tôi là giáo viên thấy các cháu no đủ tôi cũng rất vui!".
Không chỉ học sinh mầm non, học sinh ở bán trú các trường tiểu học, trung học cơ sở cũng được tỉnh hỗ trợ 20% mức lương cơ sở, tương đương với 360.000đ tiền ăn/tháng. Dù số tiền này không nhiều và cũng chưa đủ để cho các em học sinh có 1 bữa ăn ngon, tuy nhiên với 1 tỉnh nghèo thì đây cũng là sự cố gắng rất lớn để vận động các em học sinh đến trường.
Thầy Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Bản Phố, Bắc Hà, Lào Cai cho biết: "Điều kiện các em ở xa, bố mẹ đi làm ăn xa, có chế độ bán trú các em đến ăn ở tại trường thì rất phù hợp cho việc học tập của các em. Các em được ăn ở tại trường, các thầy cô dạy học 2 buổi trên ngày. Buổi tối các thầy cô trực, quản lý cũng là hướng dẫn các em học tập, nên là điều kiện học tập của các em được tốt hơn!".
Để đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập cho học sinh vùng cao tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã dành hàng chục tỷ đồng để xóa bỏ hoàn toàn phòng học tạm. Tỷ lệ lớp học kiên cố đạt trên 80%, trong năm 2023 đã bàn giao và đưa vào sử dụng 20 công trình với tổng số 143 phòng học, 129 phòng ở bán trú. Các công trình này đều được xây dựng mới khang trang, hiện đại, tiện nghi, phù hợp với khí hậu vùng cao. Tuy nhiên, để mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú phát triển và chế độ ăn ở, sinh hoạt của các cháu được tốt hơn, thì tất cả các địa phương đều đang rất mong chờ nghị định quy định chính sách học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thông qua để nâng mức hỗ trợ lên 900.000đ/tháng.
Ông Bùi Văn Tiến - Trưởng phòng GDĐT huyện Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ: "Với mức ăn hỗ trợ như hiện nay, các cháu mới chỉ ăn đủ no, chế độ dinh dưỡng mới đáp ứng được thôi, nếu được tăng lên mức 900.000đ thì chế độ dinh dưỡng của các cháu được tốt hơn, đảm bảo hơn".
Với mục tiêu ưu tiên tối đa nguồn lực cho giáo dục vùng cao, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo tại huyện Bắc Hà luôn đạt 100%. Hơn 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và trung học cơ sở. Hơn 85% học sinh tốt nghiệp THPT và các trường nghề. Có thể thấy mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú vùng cao ở Bắc Hà đang là giải pháp tối ưu cho công tác duy trì số lượng và chất lượng giáo dục tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!