Lớp học chữ Nôm Dao của thầy Tẩn Vần Siệu có sự tham gia của học trò đủ lứa tuổi, từ các bé lớp 1, có cả người cao tuổi. Ai muốn học cái chữ đều được Thầy Siệu nhiệt tình truyền dạy.
"Sau khi con học thầy, thầy giúp con biết đọc, biết viết, dạy cho con biết phong tục của đồng bào và con rất biết ơn thầy", em Tẩn Mẩy Chiệp, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai cho biết.
Trường Tiểu học Tả Phìn có gần 500 học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao. Đều đặn mỗi tháng, thầy Siệu lại đến truyền dạy chữ Nôm Dao cho học trò. Ông còn cùng nhà trường tổ chức các tiết học giáo dục truyền thống giúp học sinh thêm yêu và tự hào về truyền thống của địa phương.
Nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành nhờ sự dẫn dắt của thầy Siệu. Với ông, học Bác về nghề dạy học không đơn thuần là dạy chữ viết, đó còn là sự truyền dạy về văn hóa, đạo đức. Có như thế mới hoàn thành tốt trọng trách "trồng người".
Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu cho biết: ''Dạy cho văn hóa của mình không bị mai một, mà giữ được văn hóa, nghiên cứu sách cổ, sưu tầm sách cổ, chỗ nào mà tâm huyết nhất, tâm đắc, phù hợp thì dạy cho các em, sách nào rách quá lại viết ra để sau này không mất chữ''.
Theo PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: "Đó là những người thầy vô danh như lời Chủ tịch HCM đã nói, những người nhiều khi bỏ qua lợi ích cá nhân để được lợi ích trồng người. Đó là những người Thầy đáng quý bởi Bác luôn ước mong đất nước ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Đến nay, người thầy giáo của bản Dao Đỏ đã dạy chữ cho trên 600 học trò. Người thầy mất một bàn tay và một con mắt vẫn cần mẫn gieo chữ, thắp sáng tương lai cho nhiều thế hệ học trò vùng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!