Ngày 21/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học đã tới kiểm tra công tác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) của tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những địa phương thuộc"vùng xanh" và từ tháng 8, học sinh các cấp được đến trường học trực tiếp.
Tại Thái Bình, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã dự giờ thực tế một tiết học môn Khoa học Tự nhiên của học sinh lớp 6 trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng); làm việc với cán bộ, giáo viên trường THCS Hợp Hưng, trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Thái Bình).
Buổi họp chuyên sâu với Sở GDĐT, các Phòng GDĐT, đại diện Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS, THPT của các huyện/thành phố, có sự tham gia chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng.
Bước đầu thuận lợi, học sinh hào hứng, phụ huynh đồng thuận
Báo cáo đoàn công tác, Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, việc dạy học CT GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi. Tất cả giáo viên dạy các lớp này đều đã được bồi dưỡng kỹ lưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới. Sở GDĐT cụ thể hóa các hướng dẫn chuyên môn được Bộ GDĐT ban hành để phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo Phòng GDĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Với cách làm này, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học từng môn học phù hợp với các giai đoạn phòng chống dịch.
Các trường THCS đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng tuần; riêng lớp 6 không bắt buộc dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đối với mỗi môn học/hoạt động giáo dục, nhà trường có thể bố trí nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, mỗi giáo viên dạy theo các chủ đề phù hợp với chuyên môn đào tạo. Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6, các trường đều tổ chức giảng dạy theo logic tuyến tính của chương trình. Mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề dạy học và nếu tuần nào thầy cô có nhiều tiết dạy Khoa học tự nhiên lớp 6 thì điều chỉnh lại, giảm số tiết dạy các lớp 7, 8, 9 để không gây áp lực cho thầy cô.
Đối với lớp 1, lớp 2, với kinh nghiệm triển khai CT GDPT mới của năm học trước, các nhà trường đã chủ xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung học tập. Đặc biệt việc tổ chức dạy học đã được giáo viên linh hoạt, chủ động áp dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục để phù hợp với tâm lý học trò. Học sinh lớp 1, lớp 2 của tỉnh được học 2 buổi/ngày, mỗi lớp được bố trí 1 phòng học với cơ sở vật chất và sĩ số đảm bảo quy định tại Điều lệ trường Tiểu học. Các lớp học còn lại đang áp dụng CT GDPT 2006 cũng được nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để học sinh tiếp cận dần với CT GDPT 2018.
Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển báo cáo tại cuộc họp
Đánh giá tổng qua về việc triển khai CT GDPT 2018 đối với các lớp 1, 2, 6, Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Viết Hiển cùng nhiều Trưởng Phòng GDĐT các huyện/thành phố cho rằng cơ bản ổn định và bước đầu ghi nhận tín hiệu tốt khi học sinh hứng thú tham gia còn phụ huynh thì chia sẻ, đồng thuận.
Môn học tích hợp mới không làm khó các giáo viên "cũ"
Chia sẻ về cách triển khai CT GDPT mới đối với lớp 6, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng) Phạm Quỳnh Hương cho biết, nhà trường phân công riêng một phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách lớp 6 để bám sát các hoạt động giáo dục và hỗ trợ giáo viên. Tổ chuyên môn thường xuyên trao đổi và chú trọng việc dạy thực nghiệm các kỹ thuật, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đối với từng môn học.
"Các môn học mới, nhà trường bố trí một giáo viên phụ trách chính. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý tổ chức dạy theo 2 phân môn riêng, được bố trí đồng thời trong từng học kỳ theo cơ cấu 2/1 và đảo lại, đảm bảo đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, mỗi phân môn thực hiện cơ bản tương đương về số tiết. Môn Khoa học tự nhiên, trường tổ chức dạy đồng tâm theo chiều dọc của sách giáo khoa và mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề có liên quan nhiều nhất đến chuyên môn môn học mình đang phụ trách", cô Hương nói và cho biết với 3 giáo viên tham gia dạy môn Khoa học tự nhiên (tương ứng với 3 phân môn) cho 2 lớp 6, việc triển khai môn học này ở trường khá thuận lợi. Hiện THCS Hợp Hưng đang tổ chức kiểm tra giữa kỳ 1 học sinh.
Hiệu trường một Trường THCS khác cũng cho biết, việc dạy môn Khoa học tự nhiên theo tuyến tính logic của môn học tuy vất vả cho trường trong sắp xếp thời khóa biểu, một số thời điểm giáo viên từng phần môn phải dạy số tiết tăng lên, nhưng học sinh được lợi là dễ tiếp cận kiến thức. Việc xây dựng giáo án và tổ chức kiểm tra đánh giá của môn học có 3 thầy cô cùng tham gia dạy không khó khăn.
Theo đó, người phụ trách chính sẽ điều tiết công việc. Khi xây dựng giáo án cho từng chủ đề, những phần có nội dung kiến thức tích hợp liên môn thì các giáo viên sẽ ngồi cùng với nhau để trao đổi, hỗ trợ người dạy chính chủ đề đó. Bài kiểm tra giữa học kỳ (đã được nhà trường thực hiện) được phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức các em đã học đến thời điểm đó. 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cùng tham gia chấm bài và thống nhất điểm.
Đảm bảo an toàn về dịch và kiên trì mục tiêu chất lượng
Kiểm tra công tác dạy học ở cơ sở giáo dục và nghe báo cáo, trao đổi của Sở/Phòng GDĐT, đại diện các trường phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành GDĐT Thái Bình, đặc biệt là việc triển khai CT GDPT mới. Theo Thứ trưởng, với một năm học rất đặc biệt diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, Bộ GDĐT đã cùng các địa phương linh hoạt, chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động giáo dục thích ứng với tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp với ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình
Bộ GDĐT đặt ra 3 mục tiêu lớn cho năm học 2021-2022, trong đó "an toàn về dịch" - tức không để dịch đi vào trường, được đặt lên đầu tiên. Mục tiêu này, Thái Bình đã làm tốt, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục phát huy nhưng tuyệt đối không chủ quan. Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch ở địa phương, Thái Bình có thể chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học theo các phương thức cho học sinh để đảm bảo mục tiêu thứ hai là "hoàn thành chương trình" theo kế hoạch năm học.
Mục tiêu thứ ba, "kiên trì đảm bảo chất lượng" được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh bởi đây là thách thức lớn nhất là khi nhiều nhà trường trên cả nước đang phải dạy học trong điều kiện ứng phó dịch bệnh. Thái Bình với lợi thế dạy học trực tiếp từ đầu năm và thực hiện tốt việc tranh thủ thời gian "vàng" để "chạy" chương trình nhưng không gây quá tải cho học sinh, nên Thứ trưởng tin tưởng địa phương sẽ hoàn thành tốt 2 mục tiêu quan trọng cuối.
Về việc triển khai thực hiện CT GDPT mà hiện nay đang song song dạy chương trình 2006 và chương trình 2018 tương ứng với từng khối lớp, Thứ trưởng đề nghị các cán bộ, giáo viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu để thấy sự khác biệt của 2 chương trình. Từ đó, các cơ sở giáo dục chủ động phân phối chương trình phù hợp với điều kiện triển khai, đáp ứng yêu cầu của chương trình, đảm bảo chuẩn đầu ra cho từng môn học.
Để thực hiện tốt CT GDPT 2018, cũng như chương trình 2006, Thứ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng. Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cần được đặc biệt chú trọng; có đánh giá chất lượng đầu ra để phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời những vấn đề cần thiết tác động tiêu cực tới chất lượng tập huấn.
Thứ trưởng Nguyễn Hưu Độ cũng lưu ý ngành Giáo dục Thái Bình quan tâm triển khai một số nhiệm vụ khác trong thời gian tới như tiếp tục quán triệt đầy đủ, kỹ lưỡng văn bản chỉ đạo/hướng dẫn của Bộ, Sở; đầu tư, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đổi mới công tác quản trị trường học từ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang quản trị chất lượng…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!