Năm học mới – Kỳ vọng và kiên trì gỡ khó

VTV Digital-Thứ tư, ngày 04/09/2024 06:01 GMT+7

VTV.vn - Năm học 2024-2025, ngành giáo dục tiếp tục đặt ra nhiều kỳ vọng, cũng như kiên trì gỡ khó cho những mục tiêu mà toàn ngành đã đề ra.

Cả nước đã tuyển dụng gần 19.500 giáo viên mà thử thách lớn nhất chính là đội ngũ nhà giáo. Một câu chuyện không mới nhiều năm nay, và đang tìm nhiều giải pháp cho vấn đề này. Năm học 2023 - 2024 cả nước tuyển dụng được gần 19.500 nhà giáo, đạt gần 70% so với tổng chỉ tiêu gần 28.000 biên chế giáo viên được giao. Bên cạnh đó, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng, để dạy một số môn học theo Chương trình mới.

Với phương châm: "nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm"; sự quan tâm tới vấn đề giáo viên cũng được Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo trong hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới vào tháng 8 vừa qua.

Năm học mới – Kỳ vọng và kiên trì gỡ khó - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: " Cần xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên cho phù hợp, hài hòa tổng thể với hoàn cảnh đất nước, phù hợp với các ngành nghề khác. Thực hiện tuyển dụng, cơ cấu lại giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục, nhất là cơ ở giáo dục mầm non, đảm bảo nguyên tắc có học sinh là phải có giáo viên, nó hợp lý, nó hiệu quả trên thực tiễn".

Tính ra thì cả nước vẫn còn khoảng 72.000 biên chế giáo viên được giao chưa tuyển dụng. Nguồn tuyển khan hiếm chính là nguyên nhân của việc nhiều tỉnh thành không đạt được mục tiêu đủ giáo viên để dạy chương trình mới. Sau 4 năm học triển khai chương trình GDPT 2018, các địa phương vẫn đang nỗ lực để khắc phục các bài toán thiếu giáo viên.

Thiếu giáo viên vùng cao, có nơi 80 học sinh/lớp

Một lớp có 80 học sinh, sĩ số tưởng chừng chỉ có ở các thành phố lớn. Tuy nhiên nó đã diễn ra tại trường học vùng cao ở tỉnh Lào Cai một số năm nay. Lớp nêm chặt bàn ghế, học sinh ngồi ghép.

Thầy Mạnh là giáo viên tiếng Anh duy nhất tại ngôi trường nằm ở trung tâm thị trấn Si Ma Cai. Năm ngoái, thầy dạy hơn 400 học sinh, làm việc gần bằng định mức của 3 giáo viên cộng lại. Năm nay sẽ tiếp tục là năm vượt qua thử thách đối với thầy.

Thầy giáo Lê Tiến Mạnh, Bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS Thị trấn Si Ma Cai, Lào Cai chia sẻ: "Ngoài việc ghép lớp, tôi còn ôn đội tuyển, rồi ôn thi vào 10 cho nên hầu như năm vừa rồi cứ sáng 5 tiết chiều 3 tiết. Cũng có thời điểm mình bị viêm họng, ốm hàng tuần ấy, nhưng mình vẫn cố gắng lên lớp".

Ông Phạm Văn Huy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Si Ma Cai, Lào Cai cho hay: "Hiện tại trường đang thiếu 5 giáo viên. Nhà trường phân công thầy cô dạy vượt qua mức quy định. Như môn Toán tăng 2-3 tiết. Ngữ văn thì tăng 5 tiết/tuần so với quy định".

Ghép lớp hoặc nhờ giáo viên trường bạn là giải pháp nhiều trường ở Si Ma Cai thực hiện trong năm học này.

Trường Sín Chéng đang thiếu 7 giáo viên, trong đó tiếng Anh và Tin học là trống người, còn môn Ngữ văn thì thiếu 2.

Năm học mới – Kỳ vọng và kiên trì gỡ khó - Ảnh 2.

"Đó là năm học vất vả đối với tôi. Nhưng đứng trước cương vị là giáo viên, tôi thấy nhà trường cũng khó khăn, không lẽ nào tôi lại không cố gắng. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để học sinh tiếp cận được kiến thức nhiều nhất", cô giáo Hà Thị Ngân, Bộ môn Ngữ văn, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai nói.

Ông Hoàng Văn Thiết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai cho biết: " Trường thiếu nhất là giáo viên dạy môn văn, vì một giáo viên dạy 11 lớp. Tôi đang tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo nhờ giáo viên trường khác đến dạy".

Chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu năm học mới, một năm học mà sự nỗ lực phải tăng lên nhiều phần, mới có thể hoàn thành công việc dạy học.

Trước vấn đề thiếu giáo viên, giải pháp chung của hầu hết các địa phương là sắp xếp lại giáo viên, trường lớp, điều chỉnh chính sách thu hút hiện có cho phù hợp với thực tiễn để giáo viên giỏi tìm về địa phương công tác.

Tại thành phố Hà Nội, địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 133.000 giáo viên. Với nhiều trường học được xây mới trong năm vừa qua, Thủ đô sẽ còn cần thêm hơn 16.000 giáo viên nữa mới có thể đáp ứng theo quy định. Để thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, nhiều quận huyện của Hà Nội tiến hành tuyển dụng hàng trăm giáo viên như Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm. Trước đó, tháng 3/2024, Hà Nội đã thông qua việc bổ sung gần 2.700 biên chế viên chức giáo dục năm học 2023-2024. Các trường có thêm giáo viên là tín hiệu vui với thầy trò, nó sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục dạy chương trình mới.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông học sinh thứ 2 của cả nước, năm học mới, thành phố này sẽ đưa vào sử dụng nhiều trường học được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Thành phố cũng đang nỗ lực tuyển mới giáo viên với nhiều chính sách thu hút nhân tài.

TP Hồ Chí Minh nỗ lực xây trường, thu hút nhân tài nhà giáo

Đến ngày khai giảng năm học 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng 13 ngôi trường mới. Dự kiến trong năm học này, sẽ có 79 ngôi trường mới được xây dựng trên thành phố mang tên Bác, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Năm học mới – Kỳ vọng và kiên trì gỡ khó - Ảnh 3.

Ngoài ra, để thực hiện việc đổi mới chương trình ở các cấp học, cũng như chuẩn bị đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 ở một số trường học, Thành phố tập trung đề xuất chính sách thu hút và giữ chân giáo viên, đặc biệt các môn khó tuyển như: Âm nhạc, Mỹ thuật, tin học và tiếng Anh. Giáo viên tuyển dụng ngoài lương thưởng, phụ cấp, còn được hưởng từ 30-50 triệu đồng/năm.

Đây cũng là những điều kiện quan trọng để thành phố này xây dựng trường học hạnh phúc cũng như nhân rộng mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế, công lập chất lượng cao ở các quận huyện.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay: "Chúng ta có 79 trường chuẩn bị khởi công từ nay đến 2025 ở các cấp học từ mầm non đến Trung học phổ thông để đáp ứng yêu cầu và sự gia tăng dân số. Hầu hết các quận huyện đều có những trường theo mô hình trường tiên tiến hiện đại, hội nhập quốc tế. Chúng ta có nhiều hoạt động tổ chức để các em học sinh phát triển được năng lực ngoại ngữ tin học, hoạt động giáo dục STEM. Sở rất muốn ở mỗi quận huyện có nhiều trường như vậy hơn để các em học sinh có nhiều lựa chọn".

Có thể thấy, trước thềm năm học mới, tất cả các địa phương đều dành những sự quan tâm tới vấn đề giáo dục, đặc biệt là làm thế nào để cải thiện và nâng cao chất lượng dạy học chương trình mới. Đảm bảo chăm lo được đời sống của nhà giáo, và tạo một môi trường học tập vui tươi, lành mạnh cho tất cả các em học sinh. Trong phần cuối tiêu điểm, chúng tôi muốn kể câu chuyện về những giáo viên dạy học tại một trường học xa xôi nhất của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Các thầy cô là lát cắt trong hàng nghìn cuộc đời của giáo viên cắm bản trong cả nước, những người đang nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, hi sinh hạnh phúc riêng, vì một mục tiêu ở đâu có học sinh, ở đó có trường lớp và giáo viên.

Chỉ có học tập mới là con đường thoát nghèo cho những vùng khó khăn, là cách để một vùng đất vươn lên mạnh mẽ và bền vững, mỗi năm học mới luôn mang theo nhiều kỳ vọng và nó luôn cần sự quyết tâm thực hiện của nhà trường - học sinh và gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước