Nâng cao chất lượng giáo dục đại học: Trách nhiệm lớn với đất nước

PV-Chủ nhật, ngày 14/02/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn -Có 3 trụ cột chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần được bám sát là: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp với một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về định hướng nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong giai đoạn tới. Đây là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại cuộc họp, các đơn vị chuyên môn đã báo cáo kết quả triển khai một số Đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó tập trung vào kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTG ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về "Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025" (Đề án 69).

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học: Trách nhiệm lớn với đất nước - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp

Triển khai Đề án 69, Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch cụ thể, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ, lộ trình thực hiện. Sau 2 năm triển khai Đề án này, hệ thống văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh tự chủ đại học đã được ban hành và đang tiếp tục được hoàn thiện; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm, các trường sư phạm đang được triển khai theo đúng tiến độ.

Bước đầu đã hình thành được hệ thống xếp hạng đại học Việt Nam gắn kết với khu vực và thế giới, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học làm cơ sở quan trọng để xếp hạng các đại học của Việt Nam. Nâng dần thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học được đẩy mạnh, tính đến ngày 31/01/2021, có 63% trường đại học được kiểm định, 342 chương trình đào tạo được kiểm định. Hiện nay, Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các nhóm ngành - đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Nhìn lại giai đoạn đầu triển khai Đề án 69, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mặc dù đã có sự khởi động và những kết quả ban đầu song nhìn chung tiến độ cần phải nhanh hơn, sự phối hợp trong thực hiện cần chặt chẽ hơn, để mang lại những kết quả tích cực hơn nữa.

Theo Bộ trưởng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhiệm vụ rất quan trọng, nhận nhiệm vụ này đồng nghĩa với nhận trách nhiệm lớn với đất nước. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 69 để rà soát tình hình thực hiện, nhìn nhận những gì đã làm được, chưa làm được, đưa ra điều chỉnh sát với thực tế cho giai đoạn 5 năm tới, kết nối với khung chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030.

Có 3 trụ cột chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần được bám sát là: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức. Đối với đào tạo, Bộ trưởng lưu ý đến việc sớm ban hành được các chuẩn chương trình đào tạo của các nhóm ngành, căn cứ vào đó để giám sát, kiểm tra, minh bạch chất lượng đào tạo.

Đối với nghiên cứu khoa học, cốt lõi là hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học, từ đó lan tỏa các hoạt động nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo. Chuyển giao tri thức là sự gắn kết hiệu quả giữa đại học với doanh nghiệp.

"Ba trụ cột này sẽ tạo ra hệ sinh thái đại học cộng sinh lẫn nhau, kiến thức thực tiễn được đưa vào trường đại học, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo gắn liền với cuộc sống. Từ đó, đi tới nguồn nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng nói.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 69, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị sớm kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; xem xét rà soát, tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ của các Đề án khác như Đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học; nhiệm vụ quy hoạch các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục… nhằm tạo sự thống nhất, tránh xung đột, phân tán nguồn lực.

"Có nhiều việc chúng ta đang làm rồi và có tính khả thi cao. Thời gian tới, khi các nhiệm vụ tiếp tục được triển khai và các nguồn lực được tập hợp tốt, sẽ có sự đột phá về chất lượng giáo dục đại học", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Mục tiêu chung của Đề án 69 là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Đề án gồm: Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học; Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học; Xây dựng và triển khai Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao; Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước