Phát biểu Khai mạc, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) Trần Văn Đạt cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GDĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học nhằm hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ triển khai công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Trong đó, việc phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức liên quan trong và ngoài nước được Bộ GDĐT quan tâm, chú trọng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Bộ GDĐT đã phối hợp với tổ chức UNICEF biên soạn Tài liệu hướng dẫn thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là tài liệu hướng dẫn thí điểm tại một số cơ sở giáo dục cụ thể cũng như giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để nâng cao hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường trong trường học hiện nay.
Mặc dù có vai trò hết sức quan trọng nhưng theo quy định hiện hành, tại các cơ sở giáo dục hiện nay chưa có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng,... Chính vì vậy, việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học trong các cơ sở giáo dục là hết sức quan trọng và cần thiết.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) Trần Văn Đạt phát biểu tại Tập huấn.
Đánh giá công tác xã hội và tư vấn tâm lý những năm qua trong các trường học đã được đáp ứng kịp thời với những nhu cầu của học sinh, phụ huynh và xã hội, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam khẳng định đây là một trong những vấn đề trụ cột trong hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay. Công tác xã hội và tư vấn tâm lý giúp các trường học hoạt động theo đúng nhu cầu của học sinh; đảm bảo các phúc lợi xã hội, sức khỏe, tâm lý của học sinh trong trường học và giúp học sinh chuyên tâm học tập, đạt kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, đang phải đối mặt với những thay đổi phức tạp, nhanh chóng của sự phát triển kinh tế, xã hội do đó, sự thay đổi về tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều dấu hiệu đáng báo động. Điều này đòi hỏi công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục cần phải thực sự được quan tâm, chú trọng và nâng cao bằng những việc làm thiết thực hơn nữa.
Các chuyên gia tập huấn tại hội nghị.
Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu được hướng dẫn sử dụng tài liệu, nâng cao năng lực về triển khai tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Trong đó tập trung vào các nội dung về phòng chống hành vi tự hại và tự tử như: Kiến thức chung về thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử; Hiểu và có khả năng triển khai các quy trình, nhận diện, đánh giá học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử; Thực hành sơ cứu tâm lý và các hoạt động phòng ngừa hành vi tự gây tổn thương, tự tử.
Các cán bộ, giáo viên tham gia Tập huấn được trao đổi, tương tác, chia sẻ, giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn xử lý các tình huống trên thực tiễn về công tác xã hội tại trường học. Thông qua đó, đưa ra những đánh giá, đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hơn cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!