Mô hình trường học mới tại Việt Nam (viết tắt là VNEN - theo hướng coi hoạt động học của học sinh là trung tâm của quá trình dạy học) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, tham gia mô hình trường học mới VNEN từ năm học 2012 - 2013, vì thuộc nhóm 3 nên tỉnh Đồng Tháp chỉ có 1 trường được tham gia Dự án là Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Cao Lãnh. Năm học 2015 - 2016, tỉnh tiếp tục dạy theo Mô hình VNEN với 1 trường trong dự án, 8 trường nhân rộng toàn phần và 100% trường nhân rộng từng phần.
Tuy nhiên, từ tổng kết, đánh giá mô hình, khi triển khai VNEN cấp tiểu học, một vài giáo viên trong tỉnh Đồng Tháp còn lúng túng về phương pháp, kĩ thuật dạy học. Phụ huynh chưa tiếp cận kịp chương trình nên việc hướng dẫn học sinh học tập ở nhà không đạt hiệu quả. Đây là một cách tiếp cận mới nên một vài cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh bỡ ngỡ, lúng túng.
Trong báo cáo tổng kết, đánh giá mô hình VNEN mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã kiến nghị UBND tỉnh không mở rộng, tiến tới dừng triển khai giảng dạy tài liệu VNEN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các trường và đơn vị liên quan triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho các em học sinh hoà nhập vào môi trường học tập theo phương pháp dạy và học hiện hành.
Mô hình trường học mới VNEN khởi nguồn từ Columbia từ những năm 1995 - 2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này có một số đặc điểm nổi bật như: Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên với vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Việc đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả – phương pháp học tập là một yêu cầu quan trọng. Phải xây dựng môi trường học tập cởi mở, thân thiện, hiệu quả. Sách giáo khoa này gọi là tài liệu hướng dẫn học được thiết kế cho học sinh hoạt động, tự học, học nhóm; sách biên soạn cho 3 trong 1, nghĩa là sách dùng chung cho cả giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!