Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát lại toàn bộ danh sách các ứng viên được phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư năm 2017, trước những ý kiến cho rằng: số lượng ứng viên được phong hàm năm nay tăng gấp 1,6 lần so với mọi năm là bất thường.
Những năm qua, việc phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư đã góp phần ghi nhận và tạo động lực cho nhiều tài năng nghiên cứu khoa học và giảng viên xuất sắc ở bậc đại học. Tuy nhiên, cho đến nay, cách thức phong hàm Giáo sư và Phó giáo sư đã không còn phù hợp với những yêu cầu mới, đặc biệt, do căn bệnh thành tích, ưa hư danh mà ở đâu đó đã có những tiêu cực len lỏi vào quy trình này.
Vì thế, việc rà soát lại danh sách ứng viên lần này một lần nữa lại làm dấy lên các ý kiến tranh luận trái chiều về những bất cập trong công tác phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư hiện nay.
Quy trình xét duyệt, thẩm định công nhận Giáo sư và Phó giáo sư trải qua 3 cấp: Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, sau đó đến Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và cuối cùng là Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Sau khi ứng viên nộp hồ sơ, Hội đồng các cấp sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ, chọn lọc, chấm điểm và thông qua danh sách ứng viên dựa trên các quy định, tiêu chí đề ra. Quyết định sẽ được đưa ra sau vòng biểu quyết bằng phiếu kín.
Tiêu chí xét phong hàm Giáo sư và Phó giáo sư có những quy định cụ thể về thâm niên giảng dạy trong trường đại học, học hàm, học vị cần đạt được, công tác hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, biên soạn sách, chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên. Thế nhưng vì saovẫn có những trường hợp được cho là chưa xứng đáng lại được phong, ngược lại có những trường hợp trượt Giáo sư, Phó giáo sư đáng tiếc? Một số ý kiến cho rằng, tiêu chí của Việt Nam hiện còn cứng nhắc và còn thiên về hình thức.
Việc chọn thành viên trong các Hội đồng chức danh Giáo sư các cấp, đặc biệt là cấp ngành và liên ngành cũng khiến không ít nhà khoa học băn khoăn. Giáo sư Đặng Cảnh Khanh đề nghị xây dựng Hội đồng ngành thay vì liên ngành như hiện nay vì trong hội đồng liên ngành, người ngành này không hiểu về ngành khác không thể đánh giá được chính xác ứng viên.
Nếu coi Giáo sư và các Phó giáo sư là những người có trình độ, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất phải đánh giá được đúng người, đúng việc. Không phong Giáo sư, Phó giáo sư cho những người chưa xứng đáng và không đánh mất cơ hội, không làm nản lòng những nhà khoa học, các giảng viên có trình độ xuất sắc. Nhiều chuyên gia và các nhà khoa học nhấn mạnh: Để làm được điều đó, thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư, Phó giáo sư các cấp cũng phải là những người thực sự xứng đáng, có trình độ nghiên cứu khoa học xuất sắc, có công bố quốc tế tốt và quan trọng là phải công tâm, không vụ lợi.
Nhiều bất cập trong việc phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư
Rất nhiều những tranh cãi xung quanh quy trình, tiêu chuẩn phong hàm Giáo sư và Phó giáo sư, mỗi ý kiến đều có những góc độ, lý lẽ của riêng mình. Cuộc tranh cãi có thể sẽ còn kéo dài không có hồi kết hoặc không làm cho những người trong cuộc cảm thấy tâm phục khẩu phục nếu cơ quan quản lý nhà nước không định vị được đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo sư theo chuẩn quốc tế.
Một trong những điều khiến nhiều người băn khoăn là mặc dù quy định rất rõ Giáo sư phải là người tham gia giảng dạy đại học với thâm niên được quy định cụ thể nhưng trên thực tế, không ít người được phong Giáo sư mà không hề giảng dạy, chỉ làm công tác quản lý ở các Bộ, ngành.
Cần định vị lại chức danh Giáo sư, Phó giáo sư
Cách đây 2 năm, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã từng đưa ra ý tưởng tự phong Giáo sư của trường mình nhưng ngay sau đó đã phải dừng lại vì Việt Nam chưa từng có tiền lệ, chưa từng thí điểm việc này. Liệu đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem xét nghiêm túc và cầu thị về vấn đề này, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế trong phong hàm Giáo sư và Phó giáo sư? Làm sao để việc phong hàm Giáo sư hay Phó giáo sư không phải là cuộc chạy đua thành tích mà tạo động lực phát triển công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo tinh hoa ở Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!