Kỷ lục số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư: Lượng có đi cùng với chất?

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 11/02/2018 14:12 GMT+7

VTV.vn - Cùng với các thông tin về Tết Âm lịch, câu chuyện về danh sách Giáo sư, Phó Giáo sư đạt chuẩn năm 2017 là vấn đề nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận tuần qua.

Từ trước đó rất lâu, giới học thuật đã râm ran dự đoán rằng: sẽ có đột biến về số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận đợt này. Và kết quả cuối cùng là 1.226 Giáo sư, Phó Giáo sư được xét duyệt, đã xác lập kỷ lục trong 41 năm qua. 

Đề cập vấn đề này, tờ Thanh niên đặt câu hỏi: "Có phải ngẫu nhiên khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho tăng thời hạn nộp hồ sơ năm 2017 gần 6 tháng để nhiều người chạy đủ tiêu chuẩn cho "chuyến tàu cuối"?".

Kỷ lục số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư: Lượng có đi cùng với chất? - Ảnh 1.

Tờ Tiền Phong đã chỉ ra thống kê đó là 34% Giáo sư và 53% Phó Giáo sư năm 2017 không có bài báo đăng trên các tạp chí Khoa học quốc tế chuyên ngành

Trong một góc nhìn khác, tờ Tiền Phong đã chỉ ra thống kê đó là 34% Giáo sư và 53% Phó Giáo sư năm 2017 không có bài báo đăng trên các tạp chí Khoa học quốc tế chuyên ngành. Có tới 11/28 ngành có Giáo sư được phong lần này nhưng không có bài báo đăng trên các tạp chí Khoa học quốc tế như Tâm lý, Ngôn ngữ, Giáo dục học, Công nghệ thông tin, Luật học…

Tại bài viết "Tiến tới phổ cập học vị, học hàm chăng", tờ Lao động cho biết không phải cứ nhiều Giáo sư và Phó Giáo sư là vui, mà đôi khi ngược lại. Có được bao nhiêu phần trăm thực chất trong số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư này? Sẽ khó trả lời được câu hỏi trên giấy tờ vì các con số biến hóa theo đúng quy trình, nhưng thiết nghĩ cũng không cần, vì nó được trả lời bằng thực tế. Có bao nhiêu trong số Giáo sư, Phó Giáo sư được giới học thuật thế giới biết đến, có công trình áp dụng được vào đời sống hiệu quả. Hình như không có hoặc rất ít. Vậy thì nhiều giáo sư như thế hay nhiều hơn nữa thì cũng chẳng ích gì cho đất nước.

Kỷ lục số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư: Lượng có đi cùng với chất? - Ảnh 2.

Không có trường đại học nào của Việt Nam lọt vào BXH của Times Higher Education

Không trực tiếp liên quan đến vấn đề này song một thống kê rất đáng chú ý đã được đưa ra các đây 2 ngày. Đó là theo bảng xếp hạng thường niên các trường Đại học châu Á do tạp chí uy tín hàng đầu thế giới Times Higher Education vừa công bố. Bảng xếp hạng năm nay có hơn 350 trường tới từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng cũng không bất ngờ, các trường đại học của Việt Nam tiếp tục vắng bóng.

Tờ Người Lao động đã đặt ra câu hỏi vì lý do gì mà các trường đại học Việt Nam những năm qua được bổ sung một lượng giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đông đảo, minh chứng rõ rệt nhất là đợt xét duyệt vừa qua lại có thứ hạng thấp, thậm chí là hoàn toàn không có tên trong các bảng xếp hạng giáo dục uy tín của thế giới. Đó hẳn nhiên là một câu hỏi vừa dễ, vừa khó trả lời. 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước