Nhiều thí sinh vẫn mắc sai sót có thể ‘biến đỗ thành trượt’

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 27/07/2024 08:56 GMT+7

Ảnh minh hoạ.

VTV.vn - Chỉ còn ít ngày nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra một số lỗi thí sinh hay mắc phải.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã chỉ là một số sai sót của thi sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành tại trường đại học, học viện. Bà Thủy cho biết, đầu tiên là lỗi sai kỹ thuật. Thí sinh quên kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới Hệ thống không ghi nhận nguyện vọng đăng ký.

Lỗi thứ hai là thí sinh bị nhầm lẫn, khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của một trường nào đó, thì bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1 trên Hệ thống.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, không có trường nào được yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào thì hãy đặt lên đầu tiên.

Khi nhập nguyện vọng lên Hệ thống, thí sinh cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 (là nguyện vọng cao nhất) đến các nguyện vọng tiếp theo. Hệ thống cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.

Thí sinh nên đặt các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê ở vị trí phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Nhiều thí sinh vẫn mắc sai sót có thể ‘biến đỗ thành trượt’ - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)

Thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng ít ỏi, sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển của mình. Tất nhiên, nếu đã trúng tuyển ở nguyện vọng xét tuyển sớm, đương nhiên các em sẽ đỗ. Nhưng khi chúng ta vẫn còn mong mỏi ở những ngành, trường học khác yêu thích hơn, thì các em nên có chiến lược, chiến thuật đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp.

Các em không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một top những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu chúng ta đã không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cũng khó trúng tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, như vậy các thao tác sẽ chưa được ghi nhận. Khi thí sinh thực hiện đổi nguyện vọng cũng tương tự, phải chú ý thao tác tới các bước cuối cùng.

Các mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý

Từ 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định.

Chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm. Từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (trực tuyến).

Từ 13/8 đến 17h ngày 17/8, Bộ GD&ĐT xử lý nguyện vọng trên hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (lọc ảo).

Trước 17h ngày 19/8, các trường đại học công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Từ ngày 28/8, các cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước