Hiện cả nước đang có khoảng 100 trường Đại học có chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, phương pháp tuyển sinh này không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia mà sử dụng kết quả học tập của thí sinh ở cấp THPT.
Danh sách các trường ĐH có xét tuyển học bạ khá nhiều, trong đó có không ít trường thuộc top đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH lâm nghiệp, Học viện Tài chính Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Y tế cộng đồng, ĐH Thủy lợi... cùng rất nhiều trường đại học tại các tỉnh/thành phố khác trên cả nước.
Theo đó, số chỉ tiêu tuyển sinh qua hình thức xét tuyển học bạ dao động từ 10 - 70% tùy theo nhu cầu và địa chỉ của từng trường. Phần lớn các trường đều yêu cầu thí sinh có điểm tổng kết các môn nằm trong tổ hợp xét tuyển phạt đạt trung bình khá trở lên. Nhiều trường top đầu yêu cầu điểm phải đạt 8,0 trở lên để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ngoài yếu tố điểm, thí sinh cũng phải đảm bảo đạt điều kiện tối thiểu là đủ điểm đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi THPT Quốc gia. Theo số liệu từ Bộ GD - ĐT, năm 2019 cả nước có gần 490.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ thì có 70% số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển căn cứ theo kết quả thi THPT quốc gia, 30% còn lại (tương ứng với gần 148.000 chỉ tiêu) dành cho các phương thức khác, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ.
Lý do để nhiều trường chuộng phương thức xét tuyển học bạ bởi đây cũng là một kênh phản ánh năng lực học tập của thí sinh. Thực tế, điểm số kỳ thi THPT cũng có thể phản ánh năng lực của thí sinh nhưng vẫn không thể tránh khỏi những trường hợp "học tài thi phận", lỡ mất cơ hội vào ĐH. Bên cạnh đó, việc xét học bạ cùng kết quả thi THPT cũng là một cách khá tối ưu để chống gian lận thi cử.
Bên cạnh đó, vì xét tuyển học bạ độc lập với xét điểm thi THPT nên thí sinh dự thi THPT bằng bài thi Khoa học xã hội vẫn hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển học bạ bằng tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên và ngược lại. Điều này mở rộng hơn cơ hội lựa chọn, cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Ngoài ra, thay vì phải nộp phiếu đăng ký tại trường THPT, xem thông tin hướng dẫn qua cổng thông tin chung, theo dõi kết quả do trường ĐH công bố theo phương thức thi THPT quốc gia thì với xét tuyển học bạ, thí sinh có thể đăng ký hay nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH mà mình lựa chọn. Hồ sơ đơn giản, thủ tục nhanh chóng cũng là điểm cộng khiến phương thức xét tuyển học bạ này khá thu hút sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh.
Cũng theo các chuyên gia giáo dục, việc tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ phù hợp với quy định của Luật giáo dục Đại học, các trường được tự chủ lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp. Để kiểm soát được chất lượng đầu vào bằng hình thức xét tuyển học bạ, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ áp dụng nhiều giải pháp như tăng trách nhiệm giải trình của các trường; yêu cầu công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp và có cơ chế sàng lọc sinh viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để xã hội cùng giám sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!