Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Sau 1 tháng trở lại trường, lần lượt khối 6 nghỉ học rồi tới khối 7 cũng chuyển học trực tuyến. Và bây giờ, toàn trường đóng cửa, chuyển hẳn trạng thái.
Ông Phan Quang Hiệp - Hiệu trưởng THCS Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội - cho hay: "Có gần 200 học sinh thuộc diện F0, F1. Chúng tôi đã kịp thời chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến".
Đầu tuần này, Hà Nội có thêm gần 350 trường học thuộc vùng cam đã cho học sinh nghỉ học trực tiếp. Các trường ở vùng nguy cơ thấp vẫn duy trì dạy học nhưng với tình trạng nhấp nhổm.
Để bắt đầu một tiết dạy học đặc thù mùa dịch, cô giáo phải mất khá nhiều thời gian trong khi một tiết dạy chỉ có 45 phút.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THCS Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Hiện nay trên lớp chỉ còn 13 cháu học trực tiếp. Chính vì thế, các thầy cô rất vất vả, vừa phát zoom vừa dạy trực tiếp trên bảng. Ảnh hướng rất nhiều đến việc thi cử của các con vào cấp 3".
Hiện tại, một số trường quy định rất cụ thể về việc học trực tiếp hay trực tuyến. Căn cứ vào số lượng học sinh học tại trường để đưa ra hình thức chuyển đổi phù hợp. Như lớp này, tổng số 32 học sinh có 15 em đang học ở nhà, giờ chỉ cần 1 học sinh nữa nghỉ, lớp sẽ ngay lập tức chuyển sang học online.
"Số lượng học sinh đến trường lớn hơn 50% thì nhà trường sẽ cho dạy trực tiếp, như các lớp bên cạnh. Lớp này số lượng học sinh ít hơn sẽ dạy online để đảm bảo chất lượng sức khỏe cho các con" - cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường THPT Marie Curie Hà Nội cho biết.
Điều khó khăn hiện nay của các trường là trong một lớp, các ca F0, F1 biến động liên tục. Đồng nghĩa trường phải căng mình sắp xếp lịch dạy, lịch thi, còn giáo viên cũng phải thay đổi trạng thái dạy học liên tục với nhiều áp lực.
Điều đó cho thấy lựa chọn cách thức phải cân nhắc với hiệu quả dạy học. Và quan trọng nhất là giáo viên có thể duy trì được lâu dài, trong bối cảnh số ca bệnh chưa biết đến khi nào mới đi xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!