Do các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển, các trường cao đẳng, trung cấp phải chờ đến cuối mùa tuyển sinh mới biết được có tuyển đủ chỉ tiêu hay không. Và hiện tại, nhiều trường nghề mới đạt 40% chỉ tiêu.
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, tổ tuyển sinh của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã gọi điện thoại trực tiếp tới từng thí sinh để tư vấn, trao đổi về chuyện chọn nghề, nhập học.
Dù trường đã mở nhiều kênh tương tác, tư vấn cho học sinh từ THCS, THPT trên mạng xã hội, Zalo nhưng thực tế, số nhập học luôn ít hơn số đăng ký bởi nhiều người khi có kết quả điểm lại chuyển nguyện vọng sang đại học. Nỗ lực, chuẩn bị từ đầu năm nhưng số học viên đăng ký mới đạt hơn 60%.
Không thể cạnh tranh với đại học là điều các trường nghề đã xác định nhưng trước phương thức tuyển sinh đa dạng, liên tục thay đổi vào đại học đã làm nguồn tuyển sinh trường nghề ngày càng hẹp.
Các trường trung cấp nghề còn khó khăn hơn, có những trường chỉ đạt trên 20% chỉ tiêu. Ngay cả các trường nghề trọng điểm cũng chấp nhận số hồ sơ nhập học thấp hơn chỉ tiêu và chuyển hướng, tập trung vào các ngành nghề chất lượng cao để thu hút người học.
Khảo sát tại các trường nghề vẫn cho thấy nhiều học viên coi học nghề là điều gì đó không phù hợp với tuổi trẻ và đầu vào trường nghề chủ yếu là học sinh từ các vùng nông thôn.
Quyền quyết định vẫn ở các thí sinh và ai cũng hiểu: Học đại học có danh, học nghề có việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!