Những bước tiến trong đổi mới giáo dục của TP.HCM

Theo Chinhphu.vn-Chủ nhật, ngày 08/02/2015 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa.

Năm 2014, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có những đột phá nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 1,4 triệu học sinh.

Tăng đầu tư trường lớp, nâng thu nhập giáo viên

Trong năm 2014, với mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, đã có 1.361 phòng học mới đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ học mới cho gần 50.000 học sinh các cấp của thành phố. Bên cạnh đó, trong 2 năm 2013 và 2014, thành phố đã triển khai 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng quỹ đất gần 46.500m2 giải quyết gần 6.000 chỗ gửi trẻ cho con công nhân.

Đặc biệt, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, thành phố đã có chính sách hỗ trợ về vốn vay cho Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM từ nguồn vốn kích cầu hơn 12.000 tỷ đồng cho dự án đầu tư cho giáo dục. Và đến hết năm 2014, đã có 72 dự án được vay với tổng số tiền 1.318 tỷ đồng.

Để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, giáo viên, thành phố có những chính sách trường hợp mới tuyển dụng sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ bản/người/tháng ở năm đầu tiên, từ năm thứ 2-3 được hỗ trợ 70%, từ năm thứ 4-5 hỗ trợ 50%. Đối với cán bộ, giáo viên, quản lý bậc mầm non công lập sẽ hưởng thêm 25% tiền lương, giáo viên, cán bộ trực tiếp đứng lớp sẽ được hưởng 35% tiền lương.

Đặc biệt, ngoài những hỗ trợ chung, giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở các cơ sở mầm non ngoài công lập sẽ được hưởng 200.000 đồng /người/tháng và chi 1,8 triệu đồng/người/khóa học 6 tháng (từ ngân sách) để bồi dưỡng chuyên môn.

Kết quả, đến nay 319/319 (100%) xã, phường, thị trấn và 24/24 quận,huyện của TP.HCM đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức 1 (trong đó có 157 phường/xã đề nghị đạt mức 2 - tỉ lệ 47,8%).

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2013-2014, thành phố tiếp tục triển khai tích cực cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường" và đã huy động được 100% trẻ em đúng 6 tuổi vào học lớp 1 tính theo dân số độ tuổi có hộ khẩu trên địa bàn thành phố; phổ cập giáo dục THCS, với đối tượng trong độ tuổi 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 95,83%; phổ cập bậc trung học, độ tuổi từ 18 - 21 tuổi đạt tốt nghiệp bậc trung học 85,71%.

Những kết quả đạt được của ngành GD-ĐT thành phố đã đóng góp rất lớn trong quá trình cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố và cả nước, ông Sơn khẳng định.

Áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến

Nhận thức tầm quan trọng của việc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu mới, ngành giáo dục TP.HCM đã chủ động rà soát, hiệu chỉnh mục tiêu đào tạo, biên soạn lại nội dung chương trình theo hướng tăng cường phần thực hành, coi trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để học sinh tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng và thái độ lao động đúng đắn.

Theo đó, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh và dùng các phương tiện kỹ thuật như máy tính, projector, các phương tiện nghe nhìn để giúp học sinh tiếp thu bài học dễ dàng hơn.

Đề án “Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020” đã được thành phố đặc biệt quan tâm và đầu tư kinh phí 2.509 tỷ đồng, với mục tiêu tất cả học sinh phổ thông đều được học tiếng Anh trong nhà trường với chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Trong năm 2015 và những năm tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, TP.HCM sẽ tập trung vào một số cải cách có tính chất tiên phong như:

Về phương pháp giảng dạy, sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục ngoại khóa, lồng ghép, tích hợp các môn xã hội, tăng thời lượng học sinh học tập, gắn chặt lý thuyết bài giảng với thực hành, ứng dụng thực tiễn tại địa phương.

Chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu thay cho việc dạy nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho học sinh học tập, nghiên cứu, làm việc theo nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế.

Tổ chức thực hiện các chuyên đề dạy “Lịch sử - Địa lý qua các phương tiện nghe nhìn”; xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Đưa Âm nhạc dân tộc vào nhà trường”; đề án “Đổi mới dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” ở bậc Tiểu học và THCS; đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố…

Đồng thời tạo điều kiện để các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước