Phải đọc thật chậm nhưng em Nguyễn Thị Thảo, trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội vẫn không thể tránh được các lỗi phát âm. Cô học trò này cho biết: "Em mắc lỗi nói ngọng nhưng vì em sinh ra và lớn lên ở đây nên rất khó thay đổi".
Tại huyện Thạch Thất, học sinh đến từ mỗi xã lại có những lỗi phát âm riêng: hoặc là sai phụ âm hoặc là sai dấu. 14 năm về huyện công tác, dù rất nỗ lực nhưng cô Đỗ Thị Hoàng Minh, trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đều vấp phải rào cản khi luyện nói cho học sinh.
Chỉ tính riêng tại ngôi trường này, đã có rất nhiều em đang dự định gác lại ước mơ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước thông tin trường không tuyển học sinh nói ngọng, nói lắp. Chỉ còn ít ngày nữa, các em đã phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Em Nguyễn Thị Minh Thu, trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết: "Cấm cửa những học sinh nói ngọng không học Sư phạm làm mất giấc mơ của bọn em, vì em đam mê Sư phạm từ nhỏ, có quy định như vậy khiến bọn em rất buồn".
Em Đặng Thị Loan, trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho hay: "Sau khi vào đại học, em có 4 năm để giao tiếp với các bạn, em có đủ thời gian để thay đổi lại. Giờ quy định này khá bất công vì nhiều bạn giỏi mà không vào được trường Sư phạm vì nói ngọng".
Mong muốn nhà trường nới rộng tiêu chuẩn đầu vào sau đó siết chặt đầu ra là nguyện vọng chung của nhiều học sinh. Thực tế, tại nhiều trường có ngành Sư phạm, sửa lỗi phát âm cho sinh viên vẫn đang được thiết kế là một nội dung đào tạo nghiệp vụ.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường Sư phạm nhưng lo lắng khó qua cửa ải về quy định nói ngọng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đề án tuyển sinh năm nay của nhà trường vẫn đang trình và chờ phê duyệt chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!