Phải thi tốt nghiệp THPT, không thi học sinh không học

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 25/09/2020 10:10 GMT+7

Ảnh minh họa: TTXVN

VTV.vn -Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 98%, nhiều ý kiến cho rằng có cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp hay không. Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã thống nhất câu trả lời.

Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực trao đổi về dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025, trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - chủ trì cuộc họp, đặt ra ngay mở đầu cuộc họp là với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98-99% mỗi năm, có cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp hay không và kỳ thi này có cần phải phân loại học sinh hay không, các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã thảo luận và cùng đồng thuận "kỳ thi là cần thiết".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Phải thi, không thi học sinh không học". Lí giải thêm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu không thi mà xét học bạ, trong khi điểm học bạ mỗi vùng miền, trường học khác nhau sẽ dẫn tới tiêu cực.

"Cơ bản kỳ thi như năm vừa rồi, nên ổn định, không nên thay đổi nữa", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Từ thực tế quá trình giảng dạy và đánh giá học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) cho rằng, nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô cũng không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.

"Kết quả của mỗi kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh qua đây cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí để vượt qua thử thách. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình thông qua kết quả kỳ thi. Vì vậy, kỳ thi là rất cần thiết", cô Nguyễn Thị Nhiếp trao đổi.

Phải thi tốt nghiệp THPT, không thi học sinh không học - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Nhìn nhận từ góc độ hệ thống giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp chúng ta đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của cả thầy cô giáo và học sinh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhấn mạnh: Không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục.

"Cần thi và tiếp tục những thành tựu Bộ GD&ĐT đã đạt thời gian qua" là khẳng định của GS Nguyễn Lân Dũng. Làm rõ thêm quan điểm của mình, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay, nếu hỏi các nước trên thế giới có thi không, "câu trả lời là có". Việc thi là cần thiết, vì không thi học sinh sẽ không học, thi trên một diện rộng còn để đánh giá được môn nào đang dạy và học tốt, môn nào chưa tốt để rút kinh nghiệm.

GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục khẳng định, không có lí do gì để thay đổi kỳ thi. Kỳ thi là đợt tổng rà soát lại toàn bộ chương trình giáo dục nên không thể không thi. Còn trường đại học khi được tự chủ tuyển sinh, có thể dẫn tới trăm hoa đua nở và có thể lại quay về những vấn đề cũ.

"Phải thi, muốn khám sức khỏe giáo dục phải thi, phân tích kết quả đến từng trường, từng địa phương" là ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh. Còn TS Lê Đông Phương nhìn nhận ngắn gọn: "Năm nay, lần đầu tiên Bộ GDĐT đưa ra so sánh giữa điểm thi và điểm học bạ, kết quả so sánh cho thấy, học bạ không "đơn giản" nên phải duy trì kỳ thi".

Dự kiến tổ chức thi THPT Quốc gia trên máy tính Dự kiến tổ chức thi THPT Quốc gia trên máy tính

VTV.vn - “Tổ chức thi trên máy tính ở đâu, lúc nào phải được tính toán kỹ, nơi nào có điều kiện sẽ làm trước, làm dần dần để bảo đảm không ảnh hưởng đến thí sinh ở vùng khó”.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước