Một buổi tập huấn trong Dự án “Thí điểm phát triển ngôn ngữ viết Cơ-Tu cho học sinh tiểu học” ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: thuathienhue.edu.vn
Dự án có tổng nguồn vốn 179.609 USD, tương đương 4 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông.
Trong 5 năm (2017 - 2022) triển khai, dự án sẽ tổ chức biên soạn tài liệu để dạy chữ viết, truyền thông, tập huấn cho giáo viên và tổ chức dạy chữ viết thí điểm cho học sinh người Cơ Tu, Pa Kô, Tà Ôi; tổ chức các hội nghị tham vấn về phương pháp dạy học và đánh giá kỹ năng viết chữ cho học sinh. Mục tiêu của dự án là góp phần duy trì, phát triển ngôn ngữ viết chung cho người Cơ Tu, Pa Kô, Tà Ôi (Việt Nam) và góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa, bản sắc của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trước đó, thực hiện hợp tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế với Tổ chức FARO AS (Na Uy) về dự án "Thí điểm phát triển ngôn ngữ viết Cơ Tu cho học sinh tiểu học" ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Ngôn Ngữ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn dạy học chữ viết Cơ Tu cho giáo viên người Cơ Tu ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới, nhằm trang bị kiến thức, phương pháp dạy học và đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học ngôn ngữ viết Cơ Tu.
Đồng bào dân tộc Cơ Tu là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bà con dân tộc Cơ Tu dùng tiếng nói Cơ Tu là ngôn ngữ mẹ đẻ, tuy nhiên cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, bà con Cơ Tu chưa có ngôn ngữ viết. Việc chưa có ngôn ngữ viết đang là một khó khăn lớn trong việc lưu truyền, phát triển các giá trị văn hóa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!