Kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội tháng 6 mới diễn ra và dự kiến tháng 4 mới công bố chỉ tiêu xét tuyển. Tuy nhiên, thời gian này nhiều gia đình đã chạy đôn chạy đáo tìm mua hồ sơ và đăng ký học tại các trường ngoài công lập. Bởi vì họ mong muốn con mình chắc chắn việc học lớp 10 cấp THPT nếu trượt trường công lập.
Chị Hằng - thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội - cho biết vài tuần qua chị đã đi tìm hiểu 3 trường ngoài công lập cho con mình. Nhận thấy học lực của con khó có thể đỗ vào trường công lập gần nhà, nên tìm phương án thay thế là điều mà gia đình buộc phải nghĩ tới.
"Làm phương án dự phòng trước, đăng ký trước chắc chân vào dân lập. Cũng không muốn cho cháu vào trường học nghề vì cháu là con gái mà tuổi này còn quá nhỏ để vào trường nghề", chị Hằng chia sẻ.
Thời gian này nhiều gia đình đã chạy đôn chạy đáo tìm mua hồ sơ và đăng ký học tại các trường ngoài công lập.
Mua hồ sơ ghi danh và đặt cọc dự tuyển tại nhiều trường tư thục đó là cách chống trượt hiệu quả của các gia đình có con học lớp 9 ở Hà Nội. Nhiều cung bậc cảm xúc nảy sinh từ đó. Có gia đình tới cổng trường nhưng vẫn không thể vào đăng ký vì chưa tìm được tiếng nói chung.
Phụ huynh học sinh cho biết: "Con thích học với những người bạn của con lên nhưng những trường bạn con mình chọn không ổn. Mình là mẹ muốn hướng cho con những gì tốt đẹp nhất nhưng giờ con không nghe lời mình cũng không biết nên làm thế nào".
Thi chuyển cấp ở Hà Nội năm nào cũng khốc liệt. Số chỗ ở trường công có hạn, số thí sinh đăng ký lại rất đông. Trong khi, nhiều trường tư thục hiện nay tỷ lệ chọi cũng rất cao. Như Trường THPT May Hà Nội dự kiến lấy hơn 500 chỉ tiêu, nhưng lượng phụ huynh tới đăng ký đã vượt xa con số đó.
Theo chuyên gia, trong giai đoạn nhạy cảm về mặt tâm lý của con cái, vai trò của bố mẹ là rất lớn trong việc định hướng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!