Quy định mới về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 09/01/2025 07:12 GMT+7

VTV.vn - Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm được kỳ vọng sẽ giúp định hướng lại mục đích và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhiều học sinh muốn nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây không ít bức xúc cho phụ huynh, do thiếu các quy định cụ thể và chặt chẽ về dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Nhiều học sinh phải chịu áp lực nặng nề khi phải học ba ca mỗi ngày, trong khi phụ huynh phải loay hoay với việc đóng tiền và đưa đón con đi học thêm cả vào cuối tuần. Thậm chí, tình trạng giáo viên ép học sinh tham gia học thêm vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, Thông tư 29 do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, bởi rất nhiều quy định mới được đưa vào áp dụng.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành - Ảnh 1.

Thông tư 29 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là văn bản mới nhất quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm

Thông tư số 29 quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, ngoại trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên đang giảng dạy tại các trường không được phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và thu tiền từ học sinh mà họ đang trực tiếp giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý hoặc điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng vẫn có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở này. Chỉ dạy thêm trong nhà trường với đối tượng học sinh xếp loại cuối học kỳ chưa đạt hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh thi cuối cấp. Tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, còn phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm.

"Thông tư 29 làm rõ hơn những nguyên tắc liên quan đến dạy thêm, học thêm – vốn được xem là nhu cầu chính đáng của học sinh và gia đình, cũng là một nhu cầu chính đáng của giáo viên. Khi Thông tư 29 được thực hiện nghiêm túc, sẽ dần điều chỉnh lại mục tiêu của việc dạy thêm, giúp giáo viên nhận thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình. Đồng thời, Thông tư này cũng cung cấp hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để quản lý hoạt động dạy và học thêm, góp phần giải quyết những bất cập đã tồn tại từ lâu", PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu – Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành - Ảnh 2.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu – Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ về Thông tư 29 mới được ban hành của Bộ Giáo Dục và Đào tạo

"Theo quy định, khi giáo viên đã được phân công giảng dạy trực tiếp trong nhà trường, trách nhiệm của thầy cô là phải đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình. Nếu học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, Thông tư quy định rõ ràng rằng nhà trường phải tổ chức bổ trợ để các em đạt chuẩn chương trình. Với những học sinh muốn học nâng cao, chẳng hạn các em giỏi, nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng, và giáo viên có trách nhiệm giảng dạy theo kế hoạch của trường. Đối với các nguyện vọng khác, giáo viên có thể hỗ trợ bằng nhiều cách như hướng dẫn tự học, ra bài tập bổ sung hoặc thông qua các hình thức hỗ trợ khác. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, giáo viên có thể tận dụng các công cụ để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả. Tôi tin rằng không có thầy cô nào từ chối giúp đỡ học sinh của mình trong phạm vi trách nhiệm được phân công trên lớp", ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, việc giám sát giáo viên không dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường thực sự là một thách thức. Thứ nhất, đội ngũ quản lý hoạt động dạy thêm học thêm chưa đủ lớn và chưa được tổ chức hiệu quả để theo sát tất cả các trường hợp. Thứ hai, giáo viên cần phải tự hào và tự tôn với nghề của mình; Khi cung cấp dịch vụ dạy thêm, giáo viên cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo không lạm dụng việc dạy thêm để trục lợi, mà phải tập trung vào đáp ứng nhu cầu thực sự của học sinh. Phụ huynh và học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản ánh những trường hợp bất hợp lý. Những lớp học thêm được tổ chức dựa trên nhu cầu thực sự của học sinh, với mục tiêu cung cấp kiến thức nâng cao, là một xu hướng tích cực, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy và hợp tác với các đội ngũ quản lý để đảm bảo hoạt động dạy thêm diễn ra minh bạch, hiệu quả và đúng quy định. Giáo viên cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận về dạy thêm, không nên coi dạy thêm chỉ là bổ trợ cho chương trình chính khoá, mà cần tập trung vào việc mang lại giá trị mới, như phương pháp học sáng tạo, kiến thức chuyên sâu hoặc kỹ năng phát triển cá nhân.

"Việc quy định trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, bao gồm việc báo cáo về môn học, thời gian và địa điểm dạy thêm, có thể được coi là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bởi hiệu trưởng, với vai trò là thủ trưởng của đơn vị, có trách nhiệm toàn diện về hoạt động chuyên môn và nghiệp vụ trong trường, bao gồm cả việc quản lý hoạt động dạy thêm của giáo viên ngoài giờ. Trong nhiều trường học, đặc biệt là các trường công lập, việc giám sát này là một phần của công tác quản lý thường xuyên, bao gồm cả việc theo dõi cam kết và hợp đồng công việc của giáo viên. Việc dạy thêm ngoài giờ cũng là một phần của công việc mà giáo viên đã cam kết, do đó hiệu trưởng cần phải nắm bắt thông tin về hoạt động này để đảm bảo rằng nó phù hợp với yêu cầu của nhà trường, không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chính khóa và không gây ra các hệ lụy tiêu cực", bà Thơ nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, việc dạy thêm là nhu cầu có thật, cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh những hệ lụy tiêu cực. Trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã có phiên thảo luận toàn thể về dự thảo Luật Nhà giáo. Tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu đã đề nghị là cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định cụ thể, phù hợp.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành - Ảnh 4.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề dạy thêm, học thêm

Cũng theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, quy định yêu cầu các tổ chức và cá nhân dạy thêm ngoài trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật đã được nhắc đến trong Thông tư 17. Tuy nhiên, tại Thông tư 29, quy định này được làm rõ hơn, đặc biệt là về vai trò và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực dạy thêm. Thay vì tình trạng đơn phương như trước đây, các quy định mới nhấn mạnh nguyên tắc thỏa thuận, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm được cam kết một cách công khai.

"Những ngày gần đây, tôi đã lắng nghe nhiều chia sẻ từ các đồng nghiệp ở khắp nơi trên cả nước, sau khi tiếp nhận thông tin về Thông tư 29. Đa phần đồng nghiệp đều nhận ra rằng đây không phải là một thử thách quá lớn, bởi trong những năm năm qua, nhiều giáo viên rất phấn khởi trước việc tăng lương đồng loạt trong ngành giáo dục. Thứ hai, nhiều địa phương cũng đã thực hiện đúng cam kết đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện để bù đắp thu nhập cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ cho các đối tượng học sinh yếu kém, khá, giỏi... Những hoạt động này, nếu được tổ chức đúng theo quy định của Nhà nước, sẽ đảm bảo công bằng và giữ nguyên giá trị sức lao động của giáo viên. Đối với các hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, đây là cơ hội để đổi mới, minh bạch và phát triển theo hướng chuyên nghiệp", bà Thơ chia sẻ thêm.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội xem xét, tiền lương của nhà giáo đang được xếp ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây là một bước tiến chính sách đáng mừng, mang lại niềm phấn khởi lớn cho đội ngũ giáo viên. Việc tăng lương không chỉ giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề mà còn giảm áp lực phải tìm kiếm thu nhập từ việc dạy thêm. Đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai các quy định mới trong quản lý dạy thêm, học thêm, trả lại sự trong sạch và ý nghĩa vốn có của một hoạt động giáo dục chính đáng. Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được sự ủng hộ và kỳ vọng cao từ dư luận. Tuy nhiên, để các quy định này thực sự đi vào thực tế, các giải pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước