Sau khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần phải làm gì?

Khánh Nguyễn-Chủ nhật, ngày 14/05/2023 21:21 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, sau khi đăng ký, có 2 việc các em cần phải làm ngay cho đến hết ngày 25/5.

Sau khi thí sinh hoàn tất công tác đăng ký dự thi ngày 13/5, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã có trao đổi nhanh với báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Ông có thể cho biết tình hình thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023?

Ông Huỳnh Văn Chương: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở cổng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh thực hiện từ ngày 14/5 đến 17h ngày 13/5. Kết thúc thời gian đăng ký, số liệu hiển thị trên hệ thống cho thấy đã có 1.025.166 thí sinh đăng ký. Trong đó hơn 989.000 thí sinh đăng ký trực tuyến, đạt trên 95%. Chỉ hơn 5% thí sinh đăng ký trực tiếp, đó là những thí sinh tự do.

Theo Bộ GD-ĐT, tính đến 17h ngày 13/5, thời điểm kết thúc đăng ký dự thi trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi thành công.

Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.

Số thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh là 917.731 (chiếm 89,52%). Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 73.232 (chiếm 7,14%). Thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.203 (chiếm 3,34%). Số thí sinh tự do là 48.309 (chiếm 4,71%).

Vậy sau khi đăng ký, việc tiếp theo mà thí sinh cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Chương: Sau khi đăng ký, có hai việc mà các em cần phải làm ngay từ hôm nay cho đến kết thúc ngày 25/5 này.

Thứ nhất là thí sinh cần phối hợp cùng với nhà trường rà soát thông tin. Các sở giáo dục và đào tạo và nhà trường, nơi thí sinh đăng ký dự thi, phải tập trung vào việc rà soát lại thông tin của thí sinh, đối sánh và in danh sách và phiếu đăng ký dự thi của thí sinh. Nhà trường sẽ phối hợp với các em để xác định lại lần nữa.

Thứ hai là sau khi rà soát, đối sánh, xác định lại chính xác thông tin, thí sinh phải ký vào danh sách và phiếu đăng ký dự thi. Sau bước này, các em xem như đã hoàn thành việc đăng ký dự thi.

Sau khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần phải làm gì?   - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) trả lời phỏng vấn.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức bắt đầu. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Chương: Có thể nói Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 về cơ bản tương tự như kỳ thi tốt nghiệp năm 2022. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển hai khá sớm. Đến giờ phút này, cơ bản mọi văn bản chỉ đạo đã hoàn thành. Chúng tôi chỉ còn một văn bản là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về sự phối hợp giữa các địa phương, ban ngành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra dự thảo để trình Thủ tướng ban hành.

Công tác về ngân hàng đề thi cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an để rà soát hệ thống phần mềm và độ an ninh, an toàn trong việc triển khai. Đầu tháng Sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bắt đầu triển khai công tác làm đề thi, kịp thời cho ngày thi diễn ra từ 27 đến 29/6.

Việc phối hợp giữa các bộ, ngành hiện đang được thực hiện kịp thời, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an trong việc rà soát văn bản và có những điểm mới, nhất là phương án để phòng chống gian lận công nghệ cao, an ninh an toàn. Bên cạnh đó là sự phối hợp với Bộ Y tế trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cho thí sinh, sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ để hỗ trợ cho công tác thi.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm, Bộ đã yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí tổng đài hỗ trợ (1800 8000, nhánh số 2) tăng cường công tác trực hỗ trợ 24/7 để hướng dẫn thí sinh trong việc ĐKDT trực tuyến; yêu cầu chủ động giám sát số lượng truy cập và chuẩn bị phương án, chuẩn bị thiết bị dự phòng để bổ sung kịp thời khi hệ thống có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn. Bộ đồng thời đề nghị các sở GD - ĐT, các trường phổ thông phân công người hỗ trợ thí sinh trong quá trình thực hiện ĐKDT trực tuyến (cả thử đăng ký và đăng ký chính thức).

Nhờ đó, trong các ngày ĐKDT trực tuyến, Hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc ĐKDT cơ bản thuận lợi đối với tất cả các đối tượng thí sinh. Bộ GD - ĐT đã bố trí nhân lực trực hỗ trợ liên tục 24/24h trong các ngày ĐKDT của thí sinh, thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin với 63 tỉnh, thành và phía đơn vị hỗ trợ hạ tầng CNTT. Bộ GD - ĐT đã trao đổi, nhắc nhở và tiếp tục hướng dẫn bộ phận quản lý thi và kỹ thuật trực các sở nơi thí sinh đăng ký của 63 tỉnh, thành về những lưu ý trong quá trình đăng ký.

Bộ GD - ĐT yêu cầu, ngay sau khi kết thúc ĐKDT, đối với các Sở GD - ĐT và các trường nơi thí sinh ĐKDT phải rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh cho chính xác (nếu có), việc này triển khai từ ngày 14 đến 19/5; sau đó, in danh sách thí sinh đã đăng ký trực tuyến, kiểm tra lần cuối và cho thí sinh ký xác nhận thông tin ĐKDT trên phiếu và danh sách, hoàn thành chậm nhất ngày 22/5. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh và kết thúc chậm nhất 25/5.

Đối với thí sinh đã ĐKDT, cần cùng trường nơi ĐKDT để kiểm tra lại thông tin trước khi ký xác nhận vào phiếu và danh sách để kết thúc việc đăng ký.

Sau khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần phải làm gì?   - Ảnh 4.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước